Gắn kết đam mê giữ gìn bản sắc dân tộc

Tiếng đàn tính trầm bổng hòa cùng tiếng sáo réo rắt, tiếng chiêng rộn ràng của Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái, níu chúng tôi ở lại nhà văn hóa tổ 3, phường Chiềng An (Thành phố). Thành lập tháng 9/2021, Câu lạc bộ có 43 thành viên, người cao tuổi nhất đã ngoài 70, ít tuổi nhất vừa tròn 18; người biết “khắp”, người giỏi đàn tính, thổi sáo, người giỏi xòe... Họ gắn kết với nhau, cùng tìm hiểu và tập luyện những làn điệu dân ca, dân vũ, vừa thỏa mãn niềm đam mê văn nghệ, vừa gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Các thành viên Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Thái, tổ 3, phường Chiềng An (Thành phố) biểu diễn múa xòe.

 

Bà Lò Thị Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, chia sẻ: Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt định kỳ 2 lần/tháng, để các hội viên có điều kiện trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hạt nhân văn nghệ, từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng biểu diễn. Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ còn tích cực giới thiệu, vận động, kết nạp thêm hội viên mới nhằm ươm mầm, chắp cánh cho những người có niềm đam mê và có năng khiếu văn nghệ phát triển, nhất là truyền lại cho thế hệ trẻ để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Là thành viên trẻ tuổi nhất trong Câu lạc bộ, chị Lò Thị Thảo, chia sẻ: Qua những buổi sinh hoạt, được các hạt nhân văn nghệ hướng dẫn tỷ mỷ từng câu, từng lời “khắp”, hướng dẫn kỹ thuật lấy hơi, ngắt nghỉ trong các đoạn “khắp”, tôi đã trình bày được một số bài “khắp” đơn giản. 

Ngoài giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống qua các bài “khắp” Thái, Câu lạc bộ còn tổ chức các buổi sinh hoạt để thành viên nghiên cứu nguồn gốc ra đời, không gian trình diễn, ý nghĩa của nghệ thuật múa xòe; phương pháp xác định nhịp phách, 7 điệu múa, các đạo cụ múa; cách thức tổ chức, kết cấu các tổ hợp xòe phù hợp với từng không gian, mục đích biểu diễn và thực hành múa xòe truyền thống. Đồng thời, khôi phục các nghề truyền thống, như: Đan lát, thêu thùa; các trò chơi dân gian: Tung còn, tó mák lẹ, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co... Đặc biệt, dân tộc Thái có tiếng nói và chữ viết riêng, nên việc truyền dạy chữ viết của dân tộc được Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ quan tâm, thu hút được nhiều học viên theo học.

Bà Lò Thị Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, thông tin thêm: Các thành viên quyết tâm duy trì luyện tập nâng cao trình độ sẵn sàng tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương; tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch tại các homestay trên địa bàn, nhằm tạo thu nhập cho thành viên và duy trì hoạt động lâu dài (kinh phí hoạt động do các thành viên tự nguyện đóng góp). Câu lạc bộ còn góp phần xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới và đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của Câu lạc bộ không được thường xuyên, nhưng niềm đam mê của các thành viên không hề suy giảm. Câu lạc bộ rất mong các cấp, các ngành quan tâm, động viên kịp thời để lan tỏa sâu rộng giá trị của các bộ môn nghệ thuật dân gian đến đông đảo nhân dân, thực hiện hiệu quả Đề án số 04 ngày 20/8/2020 của Thành ủy Sơn La về “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Thành phố, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025”.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới