Duy trì, xây dựng, phát triển văn nghệ cơ sở

Duy trì, xây dựng và phát triển cả số lượng và chất lượng các đội văn nghệ quần chúng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu, tiến hành xây dựng thí điểm mô hình mẫu tại cơ sở, tiếp đó nhân rộng, tạo thành phong trào rộng rãi, góp phần thỏa mãn nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Một tiết mục múa của đội văn nghệ bản Tông, xã Chiềng Xôm (Thành phố). Ảnh: Quàng Hưởng

 

Hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Trung tâm đẩy mạnh quy trình hoàn thiện, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng từ tỉnh tới huyện, thành phố xây dựng thành công nhiều đội VNQC mạnh, tiêu biểu ở các bản Tông, Bó, Hẹo, Chậu (Thành phố); Cẩm, Phiêng Xạ, Nậm Giắt (Thuận Châu); Rừng Thông, Co Chai (Mai Sơn); Nà Nghịu, Mường Hung (Sông Mã); Mường Lạn, Cang Mường (Sốp Cộp); Cao Đa,  Phúc (Bắc Yên); Nà Và, Thàn (Yên Châu); Phiêng Luông, Nà Bó (Mộc Châu); Mường Trai, Tạ Bú (Mường La); Mường Chiên, Nghe Tỏng (Quỳnh Nhai); Cù, Nà Phái (Phù Yên).v.v. đây là những đội văn nghệ có chất lượng nghệ thuật tốt, đa dạng, phong phú thể loại, giữ gìn, phát huy và khai thác tốt văn hóa truyền thống, giới thiệu rộng rãi bản sắc văn hóa các dân tộc, tham gia biểu diễn phục vụ kịp thời các sự kiện chính trị của địa phương, của tỉnh. Từ một số đội văn nghệ quần chúng hoạt động một cách tự phát ban đầu, hiện giờ toàn tỉnh đã có trên 3.500 đội VNQC hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo diễn viên quần chúng, nhất là đối tượng tuổi trẻ tham gia. 

Thể hiện rõ trách nhiệm cơ quan làm công tác chuyên môn, hằng năm Trung tâm đều bố trí hàng trăm lượt nhạc sĩ, biên đạo múa, hướng dẫn viên xuống cơ sở trực tiếp tổ chức, huấn luyện, xây dựng các đội văn nghệ quần chúng, phổ biến các thể loại ca, múa, nhạc, tấu nói... độc đáo, chất lượng, mang đậm bản sắc dân tộc; thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho hạt nhân văn nghệ tại các xã, bản theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, gắn xây dựng lý thuyết, dàn dựng tiết mục, bồi dưỡng lý thuyết âm nhạc với tiến hành thử nghiệm tại chỗ kỹ năng biểu diễn, tập huấn xây dựng chương trình, tiết mục mẫu một cách bài bản. Không chỉ vậy, hằng năm Trung tâm còn thành lập các đoàn công tác, về cơ sở tổ chức kiểm tra số lượng, chất lượng, hồ sơ các đội văn nghệ quần chúng xã, bản, cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang..., vừa duy trì, phát triển, động viên khuyến khích, vừa trực tiếp tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Trong vòng 5 năm trở lại đây, đã tổ chức và tạo điều kiện cho hơn 800 lượt nghệ nhân, diễn viên các dân tộc tập luyện các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc, riêng biệt, mang giá trị đích thực, sắc thái đặc trưng dân tộc rõ nét tham gia 20 hội thi, hội diễn, liên hoan, ngày hội văn hóa do trung ương và các vùng, miền đăng cai tổ chức, mang về cho tỉnh 10 giải A toàn đoàn, 38 huy chương vàng, 50 huy chương bạc cùng nhiều danh hiệu, chứng nhận khác...

Để xây dựng và hoàn thiện các đội văn nghệ quần chúng cơ sở, Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng đã tổ chức nghiên cứu và sản xuất hàng ngàn tài liệu nghiệp vụ các loại, gồm: Đĩa nhạc múa, VCD các bài hát chọn lọc, VCD các tiết mục đoạt giải tại các hội thi, hội diễn, liên hoan các cấp, hòa tấu các bản nhạc dân tộc... gửi miễn phí cho tất cả các đội văn nghệ quần chúng làm tư liệu, tài liệu để tham khảo, rút kinh nghiệm, tổ chức học và diễn xướng phù hợp thực tiễn địa phương, cơ sở, phong tục tập quán và thị hiếu đồng bào các dân tộc. Cùng với đó, định kỳ 5 năm một lần, Trung tâm tổ chức Hội diễn, quy tụ gần 500 nghệ nhân, diễn viên tiêu biểu toàn tỉnh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm khai thác, xây dựng, bổ sung và phát triển văn hóa văn nghệ các dân tộc, tạo “sân chơi” bổ ích, lý thú để các địa phương khẳng định vị thế trong hoạt động văn hóa văn nghệ.

Nhằm tiếp tục duy trì, xây dựng và phát triển mạnh mẽ các đội văn nghệ quần chúng ở tất cả các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần giữ gìn, phát huy và giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc, Trung tâm Văn hóa tỉnh chú trọng bồi dưỡng, đào tạo hạt nhân văn hóa văn nghệ, nhất là nguồn lực tại chỗ; phát huy, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc quý báu; khuyến khích, khơi dậy niềm tự hào, sự sáng tạo, say mê nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, phát triển các di sản văn hóa dân tộc của các diễn viên, nghệ nhân; nâng cao chất lượng các tiết mục, trình độ biểu diễn, diễn xướng trong cộng đồng, tạo sự phát triển đa dạng, bền vững văn hóa văn nghệ các dân tộc, góp phần lưu giữ, bảo tồn, sáng tạo cũng như thưởng thức, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc.

Quang Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới