Đã thành thông lệ, cứ dịp Quốc khánh 2/9, đồng bào các dân tộc mấy xã vùng cao của huyện Thuận Châu lại tạm gác công việc nhà cửa, nương rẫy để đến Co Mạ tham gia phiên chợ vùng cao. Họ đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về một năm sản xuất, về mùa vụ trên nương, rồi hòa mình vào không gian văn hóa, thưởng thức những món ẩm thực độc đáo, cùng nhau chung vui, quên đi những muộn phiền, âu lo, động viên nhau hướng đến những mùa vụ bội thu.
Đông đảo nhân dân và du khách tham dự phiên chợ vùng cao Co Mạ.
Trước khi phiên chợ khai mạc vài ngày, những chiếc xe ô-tô lớn, nhỏ mang theo đủ loại hàng hóa đã tập kết tại sân chợ; các gian hàng lưu động được dựng lên; những cửa hàng bán đồ gia dụng, quầy hàng tạp hóa thu gọn lại đồ đạc, nhường chỗ cho các gian hàng ẩm thực; nhiều tiểu thương dưới trung tâm huyện và các xã lân cận cũng đã lên sớm thuê mặt bằng mở quán ăn, giải khát phục vụ du khách và người dân tham gia phiên chợ.
Phiên chợ tại trung tâm xã Co Mạ diễn ra thật vui vẻ, náo nhiệt. Mọi người tụ họp rất đông, dù cho đường xa cách trở, đi lại khó khăn, trời mưa lất phất, lại thêm sương mù, gió lạnh. Những chàng trai, cô gái với những bộ trang phục truyền thống của dân tộc, rực rỡ sắc màu, càng làm cho không gian văn hóa thêm đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc và những nét đặc trưng riêng của phiên chợ vùng cao. Lễ khai mạc phiên chợ vùng cao Co Mạ năm 2019 được diễn ra với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo huyện Thuận Châu và đông đảo nhân dân, du khách thập phương. Những tiết mục văn nghệ sôi động, đa sắc màu do các em học sinh, các đội văn nghệ quần chúng thể hiện mang nét độc đáo từng vùng, từng dân tộc được đông đảo khán giả đón nhận và cổ vũ nhiệt tình, những tràng pháo tay, nụ cười rạng rỡ càng làm cho bầu không khí trở nên sôi động, náo nhiệt.
Phiên chợ vùng cao Co Mạ có truyền thống từ khá lâu, trước đây chỉ là người dân tự phát, tìm về cùng vui chơi mừng Quốc khánh 2/9. Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, năm 2008, huyện Thuận Châu đứng ra tổ chức phiên chợ vùng cao quy mô cấp huyện và đã thành công ngoài mong đợi. Phát huy kết quả, những năm sau, huyện Thuận Châu giao cho xã Co Mạ phối hợp cùng với các xã trong cụm 6 xã vùng cao chủ trì tổ chức phiên chợ. Đến từ rất sớm để động viên và chung vui cùng bà con, đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thuận Châu, nói với chúng tôi: Có phiên chợ vùng cao này, đồng bào dân tộc Mông ở Thuận Châu không phải đi xa hoặc xuống tận Mộc Châu vui Tết độc lập nữa mà tập trung về Co Mạ, vừa đỡ tốn kém tiền của, công sức, lại góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh, du lịch ở Co Mạ nói riêng và huyện Thuận Châu nói chung, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với Co Mạ, đến với Thuận Châu.
Phiên chợ vùng cao năm nào cũng diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian truyền thống, như: Múa khèn Mông, đánh tu lu, bắn nỏ, thi làm các món ăn dân tộc, giã bánh dày... Phiên chợ luôn có các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản địa phương, như quả sơn tra, tinh bột nghệ, khoai sọ, dưa mèo, rượu ngô do chính đồng bào dân tộc tại các xã vùng cao của huyện Thuận Châu chế biến. Đặc biệt, trong không gian văn hóa ẩm thực phiên chợ năm nay có phần thi làm mèn mén - món ăn truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mông. Theo chia sẻ của những cụ cao niên, mèn mén được làm từ những hạt ngô tẻ địa phương, loại thực phẩm hằng ngày của người Mông. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, ngô được phơi trên những hiên nhà hay gác bếp, chờ khi thật khô mới đem đi làm mèn mén.
Trong mâm cơm với món ăn chính là bát mèn mén được làm từ bột ngô, các đội thi còn chuẩn bị thêm đồ ăn cùng, gồm: Dưa mèo, canh rau rừng, bí ngô, mướp đắng, măng rừng luộc... tất cả hòa quyện tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn. Vừa được tìm hiểu cách làm, lại là lần đầu thưởng thức món mèn mén ngay tại phiên chợ, chị Lò Thị Chiên, du khách đến từ thành phố Sơn La thích thú: Đây là lần đầu tiên tôi đến phiên chợ vùng cao, đồng bào dân tộc ở đây rất thân thiện, các món ăn được chế biến rất cầu kỳ; đặc biệt là món mèn mén, khi thưởng thức có vị ngọt, bùi, thơm của ngô, hòa chung với các món rau rừng tạo nên món ăn rất thú vị.
So với những năm trước đây, phiên chợ vùng cao năm nay thu hút người dân và du khách đến chung vui đông hơn. Cả chiều và đêm những ngày diễn ra phiên chợ, có đến vài nghìn người chen nhau đổ về. Mặc dù các phương tiện giao thông được xã Co Mạ bố trí chỗ để riêng, người dân chỉ đi bộ vào phiên chợ, thế nhưng tất cả các ngả đường xung quanh trung tâm xã Co Mạ đều chật kín. Ông Thào Hùng Khải, du khách đến từ tỉnh Lâm Đồng, phấn khởi: Đây là lần đầu tiên tôi đến phiên chợ vùng cao Co Mạ, đồng bào các dân tộc nơi đây chân thành và mến khách, tôi được hòa mình vào không gian văn hóa, ẩm thực độc đáo, thực sự rất ấn tượng đối với phiên chợ tại xã vùng cao của huyện Thuận Châu.
Trong những ngày diễn ra phiên chợ, chúng tôi cũng như rất nhiều người dân nơi đây còn bất ngờ với tiết mục thổi khèn của phụ nữ dân tộc Mông, một hoạt động mà lâu nay tồn tại trong tiềm thức đồng bào dân tộc chỉ dành cho đàn ông. Tiết mục thổi khèn của phụ nữ dân tộc Mông không đơn thuần là biểu diễn văn nghệ, nó còn mang theo nhiều thông điệp về bình đẳng giới, thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số. Anh Vì A Sềnh, Chủ tịch UBND xã Co Mạ, nói với chúng tôi: Phiên chợ vùng cao nhằm giới thiệu các nét sinh hoạt cộng đồng của đồng bào và quảng bá các loại đặc sản đặc trưng của địa phương. Đồng thời, tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm nông nghiệp, thủ công tiêu biểu, những giá trị văn hóa truyền thống nhằm tìm kiếm cơ hội kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng và phát triển các chương trình du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm ở các xã vùng cao của huyện Thuận Châu.
Phiên chợ vùng cao Co Mạ kết thúc. Những cuộc chia tay lưu luyến, bịn rịn..., song ai cũng cảm thấy ấm lòng bởi cuộc sống nơi đây đang ngày càng khởi sắc, đồng bào các dân tộc chung sống đoàn kết để xây dựng quê hương, bản làng giàu đẹp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!