Độc đáo những ngôi nhà lợp gỗ pơ mu ở Làng Sáng

Những ngày đầu năm, chúng tôi có chuyến công tác về bản Làng Sáng, xã Háng Đồng (Bắc Yên). Dù đã được thông tin trước, nhưng vẫn bất ngờ trước những ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông có mái được lợp bằng gỗ pơ mu.

 

Anh Hạng A Thông, trưởng bản Làng Sáng chờ đón chúng tôi tại cửa rừng. Trên đường vào bản, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh chủ đề về những ngôi nhà có mái lợp bằng gỗ pơ mu của người dân trong bản. Anh Thông nói: Bản Làng Sáng nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng Tà Xùa, cách trung tâm xã gần 20 km. Cách đây hơn 40 năm, người dân trong bản đã sử dụng gỗ sẵn có trong rừng để dựng và lợp mái nhà. Ngày nay, những ngôi nhà có mái được lợp bằng gỗ pơ mu truyền thống vẫn được lưu giữ và trở thành nét độc đáo của bản Làng Sáng. Hiện, bản Làng Sáng có 108 nóc nhà, thì có tới 98 nóc lợp gỗ pơ mu, bởi mái nhà lợp bằng gỗ có thời gian sử dụng lâu, không bị mối, mọt. Hơn nữa, vào mùa hè gỗ hấp thụ nhiệt, nên trong nhà luôn mát mẻ. Ngoài ra, mùi thơm của gỗ pơ mu tỏa ra làm cho không khí trong nhà rất dễ chịu.

 

 

 

 

Những nếp nhà lợp gỗ pơmu ở bản Làng Sáng, xã Háng Đồng (Bắc Yên).

 

Cũng theo Trưởng bản Hạng A Thông, chúng tôi biết thêm thông tin, gỗ dùng để lợp mái, sau khi lấy từ rừng về, phải phơi nắng từ 5 tháng đến hơn 1 năm, tùy theo điều kiện thời tiết. Phơi khô gỗ trong thời gian dài như vậy, nhằm hạn chế việc gỗ bị co lại hoặc bị nứt sau khi lợp. Đặc biệt, gỗ sử dụng làm mái nhà không được dùng cưa, xẻ mà phải bổ thành từng tấm theo thớ gỗ, như vậy gỗ sẽ ít bị cong, vênh. Mặc dù sử dụng gỗ để lợp mái nhà khá gồ ghề, nhưng lại giúp ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Mỗi tấm gỗ lợp mái thường có chiều dài 1,1 m, rộng từ 20-50 cm và có độ dày khoảng 2-4 cm. Để mái nhà chắc chắn và đề phòng trường hợp có thể bị dột do mưa bão, người dân thường lót dưới mái nhà một tấm bạt chống thấm nước. Tấm bạt này có thể thay hằng năm, nhưng mái nhà bằng gỗ pơ mu thì sử dụng được vài chục năm, tạo nên nét đặc sắc của bản vùng cao Làng Sáng.

 

Đứng trên đỉnh dốc đầu bản nhìn xuống, thấy đa phần các ngôi nhà ba gian, năm gian truyền thống của đồng bào Mông nơi đây được lợp bằng gỗ pơ mu ẩn hiện trong những tán cây. Trò chuyện với anh Hạng A Dua, một trong những người có nhiều kinh nghiệm trong việc dựng nhà ở Làng Sáng, anh Dua cho hay: Từ ngày thành lập bản đến nay, bà con luôn sử dụng gỗ pơ mu để lợp mái nhà. Một là do truyền thống dựng nhà của đồng bào Mông vùng cao Làng Sáng. Hai là, bản Làng Sáng là nơi biệt lập, nằm ở vùng lõi của rừng, trước đây không có đường đi, không thể vận chuyển vật liệu xây dựng từ ngoài vào để dựng nhà. Nên người dân chỉ có cách sử dụng nguyên liệu tại chỗ để làm nhà. Mái nhà làm bằng nguyên liệu gỗ pơ mu tốt, bền nên luôn là lựa chọn của bà con.

 

Hiện nay, huyện Bắc Yên đang chú trọng phát triển du lịch trải nghiệm vùng cao, trong đó có tour du lịch đến bản Làng Sáng, là nơi có cảnh vật hoang sơ và những mái nhà làm bằng gỗ pơ mu hấp dẫn du khách. Để phát huy tiềm năng du lịch và bảo tồn những ngôi nhà mái lợp gỗ pơ mu, tạo điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch thập phương, Chi bộ và Ban quản lý bản Làng Sáng đã vận động, hướng dẫn bà con một số biện pháp bảo tồn những ngôi nhà, như: Sử dụng một số loại dầu, sơn gỗ quét lên các tấm mái và tấm ván chắn quanh nhà. Như vậy, có thể hạn chế mức độ tiếp xúc trực tiếp của gỗ với các tác động của môi trường. Đồng thời, với sự quan tâm của Nhà nước, hiện nay, đường đã mở đến Làng Sáng, nên vận động bà con mua xi măng cùng một số loại vật liệu đổ nền nhà và chôn chân cột nhà trên nền xi măng, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tránh được ẩm thấp trong những ngày sương mù hay trời mưa, góp phần tăng tuổi thọ của những ngôi nhà, hạn chế được những tác động đến môi trường sinh thái rừng đặc dụng Tà Xùa. Bên cạnh đó, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi để đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của khách du lịch khi đến bản Làng Sáng, từng bước phát triển nghề dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong bản.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.