Xuôi theo lòng hồ thủy điện Sơn La về bản Huổi Ban, xã Mường Trai, một trong ba bản có đồng bào La Ha sinh sống của huyện Mường La, cảm nhận đầu tiên là khung cảnh hoang sơ, trữ tình với những ngôi nhà sàn mộc mạc, người dân thật thà, chất phác. Bao đời nay, đồng bào La Ha nơi đây vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhắc đến những điệu múa đặc trưng của đồng bào La Ha phải kể đến điệu múa Tăng Bu tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, hay điệu A Sừng Lừng rộn ràng, khỏe khoắn bên những cây nêu, vò rượu cần.
Điệu múa A Sừng Lừng thường được bà con dân tộc La Ha biểu diễn trong các dịp vui chơi, lễ hội.
Điểm độc đáo dễ nhận thấy trong điệu múa Tăng Bu của đồng bào La Ha đó là những động tác, nhịp điệu trong bài múa đều mô phỏng tập quán sản xuất nông nghiệp của bà con, như chọc lỗ, tra hạt, gặt lúa... Gửi gắm trong đó ước muốn về một mùa vụ bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng ấm no. Chị Quàng Thị Nhất, đội văn nghệ bản Huổi Ban, xã Mường Trai, chia sẻ: Điệu múa của người La Ha đã có từ rất lâu đời. Ngay từ bé, tôi đã được các bà, các mẹ truyền dạy lại. Tôi thấy điệu múa của dân tộc mình rất đẹp, vui tươi và thể hiện cho nguồn cội của dân tộc La Ha. Tôi sẽ dạy lại điệu múa cho con cháu mình, để nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào La Ha không bị mai một.
Một điểm độc đáo khác phải kể đến, đó là các đạo cụ, nhạc cụ để biểu diễn trong bài múa thường khá đơn giản, dễ làm. Diễn tấu sẽ có 5 người phụ nữ cầm những chiếc gậy tre dài khoảng 1,2 m, đập xuống tấm ván gỗ theo nhịp 2-3 xuyên suốt cả tiết mục, ngoài ra còn có mõ và đàn đao đao được làm từ những ống nứa để đệm theo. Những âm thanh này khi kết hợp với nhau mang lại không khí vui tươi rộn ràng như đang trong lễ hội, khiến cho tất cả mọi người, từ trẻ nhỏ, thanh niên đến người già, ai cũng muốn tham gia vào tiết mục. Bà Quàng Thị Muôn, Đội trưởng Đội Văn nghệ bản Huổi Ban, xã Mường Trai, cho biết: Đồng bào La Ha có tập quán canh tác, sản xuất trên nương rẫy, bởi vậy điệu múa truyền thống cũng gắn liền với cuộc sống mưu sinh của người dân. Để giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình, chúng tôi thường xuyên tổ chức luyện tập văn nghệ và biểu diễn trong các dịp vui chơi, lễ tết của bản, phục vụ bà con dân bản.
Trong Lễ hội Dâng Hoa Măng và Lễ hội Pang A, đây là hai lễ hội truyền thống của đồng bào La Ha được tổ chức vào tháng 3 hằng năm, ngoài những thủ tục tín ngưỡng thì không thể thiếu điệu múa A Sừng Lừng độc đáo, mang đậm yếu tố phồn thực. Khi biểu diễn sẽ có từ 10 đến 15 phụ nữ múa quanh một cây nêu được trang trí hoa, bên dưới là vò rượu cần. Tiếp đó, 3 người đàn ông sẽ đeo một đạo cụ được tạo hình giống dương vật tham gia vào tiết mục. Tuy hình thức có vẻ phàm tục, nhưng được xuất phát từ thực tiễn cuộc sống nghèo khó thủa xưa, nạn hữu sinh vô dưỡng khá phổ biến, đồng bào La Ha nghĩ ra phải thờ dương vật để hy vọng được con đàn, cháu đống, mẹ tròn con vuông...
Là một trong những dân tộc thiểu số ít người tại Sơn La, đồng bào La Ha không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng về văn hóa và đời sống sinh hoạt của dân tộc khác. Tuy nhiên, họ vẫn lưu giữ được những phong tục và nét đẹp riêng, một trong số đó là điệu múa truyền thống mang đậm bản sắc và dấu ấn riêng của dân tộc La Ha giữa núi rừng Tây Bắc.
Hoàng Giang (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!