Đặc sắc ẩm thực ngày Tết của đồng bào Thái Phù Yên

Đối với đồng bào Thái Phù Yên, ngày Tết không chỉ là dịp sum họp, đoàn tụ gia đình mà còn là phong tục, nét văn hóa độc đáo. Trong đó, phải kể đến các món ăn dân tộc truyền thống được người dân chế biến trong những ngày Tết để dâng lên ông bà, tổ tiên và thiết đãi anh em bạn bè, người thân trong dòng tộc.

 

 

Món rau tổng hợp xôi trong mâm cơm ngày Tết của đồng bào dân tộc Thái.

 

Nhớ lại những cái tết đã qua, cụ Cầm Thị Âng, năm nay đã ngoài 80 tuổi, bản Búc, xã Quang Huy, chia sẻ: Các món ăn truyền thống ngày tết của đồng bào dân tộc Thái từ xưa đến nay cơ bản vẫn được gìn giữ. những ngày giáp Tết, nhà nào có điều kiện thì chung nhau mổ trâu, bò, đơn giản thì mổ con lợn cỡ vài chục cân để ăn tết. Các sản phẩm thịt đó được các bà, các mẹ tẩm ướp với gia vị, sau đó treo lên gác bếp hong bằng nhiệt của than củi và khói bếp, miếng thịt săn lại và có màu cánh gián, vỏ ngoài khô nhưng bên trong hơi ướt, mềm. Một phần thịt lợn nạc lẫn mỡ (thường là thịt ba chỉ) làm giảng ăn sau Tết và gói bánh chưng. Người dân tộc Thái chuộng gói bánh chưng bằng thịt lẫn mỡ, thịt thái miếng to đều, ướp gia vị vừa đủ, rắc ít hạt tiêu để bánh thêm đậm đà và sau khi chín sẽ dậy mùi thơm và cay nhẹ.

 

Cùng với món thịt gác bếp, cá suối Tấc được chế biến thành nhiều món, như: Pa bủ, pa păn, pa xảm, pa phách, pa khỉnh, mình tròn lẳn, to bằng ngón tay cái, hoặc nhỉnh hơn 2 ngón tay, ăn chắc thịt và ít xương răm. Khi chế biến, cá để nguyên con, mổ bụng, bỏ ruột, sau đó, ướp với mắc khén, muối, ớt tươi rồi kẹp tre, nướng than hoa đến khi tỏa mùi thơm nức, da vàng ruộm, giòn tan là dùng được. Ngoài nướng, cũng có khi người ta ướp cá với mắc khén, rau thơm, rau húng, củ sả, gừng, ớt, thêm chút bột gạo, hoa chuối thái nhỏ, rồi gói lá đem xôi, cá ăn bùi, mềm và ngọt thịt.

 

Món xôi rau rừng tổng hợp, xôi nếp, rêu suối Tấc vùi tro, hoa đu đủ nộm, cũng là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm tất niên của đồng bào dân tộc Thái. Người Thái ở Phù Yên cũng giống như cộng đồng Thái ở Tây Bắc, hầu hết các món ăn đều được chế biến bằng cách xôi. Món rau xôi tổng hợp, được bà con chế biến từ hàng chục loại rau cỏ trên nương, trong vườn nhà, trong đó có vị ngọt mát của rau bướm, rau ngót, rau bợ, rau rền; vị đắng nhẹ của rau má, rau cải non, rau tầm bóp, rau rớn, lá và hoa đu đủ; kết hợp với quả mắc quạnh, quả cà, lá gừng, măng riềng... Trong món ăn, các loại rau, quả và gia vị này có tỷ lệ thích hợp tạo nên tổng thể các vị đắng, chát, cay, ngọt hòa quyện với nhau, làm cho món rau xôi dân dã đạt được độ ngon nhất.

 

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến món xôi ngũ sắc dẻo thơm, được người Thái lựa chọn từ loại gạo nếp ngon nhất của vụ mùa. Gạo vo sạch rồi ngâm trong nước chắt từ các loại lá cây tự nhiên như lá riềng, hay lá khảu cắm tím, hoặc lá khảu cắm lành (để xôi có màu đỏ), hay màu vàng từ củ nghệ... Sau khi đổ gạo vào chõ xôi khoảng 40 phút, thấy tỏa hương thơm thì bắc xuống, quạt nguội và cho vào ếp khảu. Làm như vậy để khi nguội cơm vẫn giữ được hương thơm và độ dẻo.

 

Chiều 30 tết, sau khi chuẩn bị tươm tất các món ăn cùng nhiều loại bánh trái, lá trầu, trà, thuốc, rượu, đôi gối, cuộn vải trắng, vải thổ cẩm, mặt chăn đỏ, mặt chăn đen, tiền, vàng mã… gia chủ đặt lên bàn thờ mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Được biết, bên cạnh mâm cỗ cúng như thường lệ, dòng họ Cầm và họ Lò ở Phù Yên còn có tục “Pông chay”, nghĩa là trong mâm cỗ cúng sẽ có những món ăn chay, như hoa đu đủ, quả đu đủ, quả chuối, khoai sọ, khoai lang, hoa chuối, hoa man ca rừng. Đợi đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cả nhà quây quần bên mâm cỗ và cùng chúc nhau những điều may mắn trong năm mới.

 

Dù có sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, nhưng những món ăn truyền thống ngày tết vẫn được đồng bào Thái Phù Yên lưu giữ. Bởi đó không chỉ là nét văn hóa ẩm thực mà còn là sợi dây gắn kết tình thân trong mỗi gia đình người Thái khi tết đến, xuân về.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới