Con người và thiên nhiên trong truyện ngắn của Trần Nguyên Mỹ

Từng là giáo viên gắn bó với các xã vùng cao, vùng sâu vùng xa của huyện Sông Mã, những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã ngấm vào dòng nhiệt huyết, tạo cảm hứng cho ông Trần Nguyên Mỹ (tiểu khu 4, thị trấn Sông Mã) sáng tác những tác phẩm thơ, truyện ngắn về cuộc sống con người và thiên nhiên của miền đất này.

 

Ông Trần Nguyên Mỹ (tiểu khu 4, thị trấn Sông Mã) cùng những tác phẩm thơ và truyện ngắn của mình.

 

Ông Mỹ chia sẻ: Năm 1982, tốt nghiệp Trường Sư phạm 10+3 Tây Bắc về nhận công tác tại huyện Quỳnh Nhai, sau đó chuyển công tác về huyện Sông Mã. Ngày ấy, giảng dạy tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, ngoài giờ lên lớp, tôi bắt đầu sáng tác thơ và viết truyện ngắn. Tác phẩm truyện ngắn “Tình núi” đoạt giải nhì cuộc thi viết kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Sơn La, đã tạo động lực cho tôi sáng tác những tác phẩm về đồng bào các dân tộc.

Những tác phẩm của ông Mỹ chủ yếu phản ánh về thầy và trò ở các bản vùng cao; nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân tộc thiểu số; câu chuyện về cuộc sống của người dân lam lũ, vất vả nhưng chân chất, hồn hậu; truyện ngắn về đồng bào miền núi trong các cuộc kháng chiến cứu nước; tình đoàn kết của nhân dân các xã giáp biên giới Việt - Lào... với lối văn giản dị, mộc mạc và gần gũi.

Nhiều tác phẩm, như: Gái Xòe; tập thơ “Tình núi”; Hoa Chăm pa; Trở về; Một thời ở núi; Đầu hổ; Lấy vợ vùng cao... Nổi bật là tác phẩm “Chăn Voi”, viết ở vùng đất Sông Mã - Sốp Cộp từng là nơi trú ngụ của đàn voi. Câu chuyện kể về một nghệ sỹ xiếc thú về già, tài nghệ sa sút, trong khi khán giả có nhiều trò giải trí hấp dẫn hơn, người nghệ sỹ huấn luyện voi đã quyết định trả lại con voi cho thiên nhiên và tự nguyện chăn voi. Tác phẩm đã phản ánh về cách ứng xử của con người với thiên nhiên và suy nghĩ về số phận của những người đang sống ở những vùng mà tài nguyên đang dần bị phá hủy cạn kiệt. Đến thời điểm hiện tại, ông Trần Nguyên Mỹ có hơn 30 truyện ngắn và nhiều tác phẩm thơ, trong đó nhiều tác phẩm đạt các giải thưởng cao của tỉnh, Trung ương.

Niềm đam mê với văn chương được thể hiện qua từng vần thơ, câu chuyện và đó còn là tình cảm sâu đậm mà ông Trần Nguyên Mỹ dành trọn cho con người và thiên nhiên huyện vùng biên Sông Mã. Điều đó được ông gửi gắm trong tác phẩm Sông biên giới: “Sông biên bên bạn, bên mình/Lăm vông câu hát nặng tình đôi quê/Trong veo sông Mã chiều chiều/Bản Lào, bản Thái hái rêu chung dòng”.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới