Từ xa xưa, Phù Yên có nhiều mường nhỏ hợp thành, đó là: Mường Tấc, Mường Pùa, Mường Muống, Mường Lang, Mường Bang.… Trong đó, rộng lớn, bằng phẳng nhất là Mường Tấc, có đồng lúa được xếp thứ ba “Tam Tấc” của khu vực Tây Bắc sau Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái). Bởi thế Mường Tấc trở thành tên gọi chung cho cả Phù Yên.
Mường Tấc có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Đông nhất là dân tộc Mường (trên 40%), Thái (khoảng 30%), và Mông, Kinh, Dao cùng các tộc người khác. Do canh tác trên những cánh đồng ruộng nước rộng lớn, lại có nhiều sông suối chảy qua, nên đồng bào dân tộc Thái ở Mường Tấc hầu như thuộc lòng câu thành ngữ “Khảu nông na, Pa đúc pỉnh” nghĩa là “Cơm nếp ruộng, cá trê nướng”, như khẳng định vùng đất này từ xưa đã có gạo thơm ngon nổi tiếng và nguồn thực phẩm dồi dào nhờ con suối Tấc chảy từ ngọn nguồn Khau Ly phía đông đến cửa Vạn, xã Tân Phong phía nam ra sông Đà.
Ngày nay, gạo Phù Yên được nhiều nơi biết đến, không chỉ với “nông na” mà là gạo hữu cơ, được sản xuất theo mục tiêu sản phẩm nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường. Quá trình chăm sóc lúa cũng như một số loại hoa quả khác (cam, quýt…) là sử dụng toàn bộ bằng phân bón hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học, không có chất độc hại.
Cá suối Tấc có rất nhiều loại, được chế biến thành nhiều món ngon, hợp khẩu vị của nhiều người. Ngày thường cá sáp (pa xảm) được nướng bằng gắp tre trên than củi. Nướng gần chín, để cả gắp qua đêm. Sáng hôm sau gỡ cá từ gắp tre ra, trộn thêm ít xả, mắc khén... rồi gói bằng lá dong, lá chuối cho vào chõ xôi. Khi xôi chín, thì gói cá cũng chín ngấu, có hương thơm của lá dong, xôi nếp, miếng cá đậm, ngọt thịt và dẻo ngậy, ăn rồi sẽ nhớ mãi.
Có một món ngon ngày tết ở Phù Yên, đồng bào thường chuẩn bị trước từ 2-3 tháng, là món cá chua. Bà con sống dọc sông Đà chế biến cá chua khéo nhất. Nhiều nhà có cá chua (tiếng Mường gọi là cả tưa) ăn quanh năm.
Với suối Tấc, loại pa păn (cá bống da trơn) được dùng làm cá chua (pa xổm) là ngon hơn cả. Vì thế mà bao đời nay người Thái ở Mường Tấc vẫn truyền nhau câu ví “Xổm pa păn, chăn sao Xả” (tạm dịch nghĩa là “Chua ngon như cá bống; xinh đẹp như gái Dao”). Cá bống suối Tấc vừa sạch, chắc thịt và ngon mềm, nhất là hấp với trứng gà, thêm mấy lát gừng, mắc khén... là đủ cho những người xa quê đau đáu nhớ về.
Làm món cá chua không cầu kỳ. Nhưng, để làm được hũ cá chua ngon, người dân hướng dẫn nhau từ cách chọn cá, chuẩn bị gia vị, nguyên liệu sạch đến cách bảo quản thành phẩm. Nguyên liệu là cá nhỏ (được cá bống da trơn càng tốt); cá to tươi sống, ít xương. Cách làm: Rửa sạch cá to (nên cạo vẩy) thái miếng nhỏ vừa phải, ngâm nước muối khoảng 30 phút, rửa lại thật sạch rồi để ráo nước. Sau đó, bóp muối đều, thêm một lượng đường và một chén rượu trắng, trộn đều và cho vào lọ, hũ sạch. Đậy kín lọ, hũ bằng lá dong trước mới đến nắp sau. Thời gian ủ chua từ 50 - 60 ngày. Chắt hết nước ra để chưng ăn dần. Có thể rang ngô (hoặc gạo nếp) giã làm thính. Xay, giã riềng củ trộn lẫn thính. Đổ thính lẫn riềng vào lọ, hũ cá đã được chắt hết nước, sau đó trộn thật đều và đậy kín như ban đầu. Sau 48 tiếng đồng hồ là ăn được. Khi ăn cá chua, tùy khẩu vị mỗi người có thể ăn sống hay xào chín, nhưng ngon nhất là phải có các loại rau thơm, rau sống, lá nhội, đinh lăng, lộc vừng, sung... ăn kèm.
Mường Tấc những ngày cuối năm tươi xanh cây màu vụ ba. Suối Tấc vẫn rì rào tuôn chảy ra sông Đà. Con người nơi đây sẵn lòng đón đợi bạn bè ghé thăm, vui mùa xuân mới.
Hoàng Cầu (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!