Chuyện về ông “Thuận nỏ”

Ông Lò Văn Thuận, bản Tông, xã Chiềng Xôm (Thành phố) được bà con trong bản trìu mến gọi là “Thuận nỏ”. Bởi ông và gia đình được tặng hàng trăm huy chương môn bắn nỏ tại các giải thể thao cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Hơn nữa, ông còn là người chế tác nỏ khá nổi tiếng.

Ông Lò Văn Thuận chế tác nỏ.

Rót chén trà mời khách, ông bảo: Gia đình tôi có truyền thống làm nỏ, vì vậy từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với cây nỏ và luyện tập theo sự chỉ dẫn của bố. Sau đó, tôi tự tìm cây gỗ, cây tre về làm nỏ. Năm 2000, tôi tham gia thi đấu môn bắn nỏ do tỉnh tổ chức, nhưng không đoạt giải nào. 2 năm sau, tôi tiếp tục tham gia Giải thi đấu cấp tỉnh và đã đoạt Huy chương Đồng. Đến năm 2007, chính thức là VĐV bắn nỏ của tỉnh, tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, tôi đoạt Huy chương Vàng môn bắn nỏ...

Trò chuyện với ông Thuận được biết, để có được một cây nỏ hoàn chỉnh và đem đi thi đấu thì cánh cung của nỏ cần chọn cây luồng già, thân nhỏ, dóng dài đều, lõi đen đặc, cứng chắc, bổ làm đôi hoặc làm tư xếp lên gác bếp hun khói cho thật khô để có độ đàn hồi tốt. Trong chế tác nỏ, khâu làm cánh nỏ là khó nhất, bởi đây là nơi hội tụ sức mạnh của chiếc nỏ, liên quan đến ma sát, lực tương tác, khi kéo tên bắn vào mục tiêu ở xa, nếu cánh nỏ cứng sẽ khiến người sử dụng khó mà kéo hết sải tay.  Vì vậy, không phơi luồng quá khô, uốn đến một độ cong nhất định và đều, không vênh. Dây nỏ bện bằng dây gai phơi khô, bện xoắn đều, chà xát bằng lá rừng tạo sự kết dính, tránh xơ tướp. Tên nỏ dài khoảng 50 cm, được làm từ thân cây tre già, dóng dài, thẳng thớ, để gác bếp hun khói 6 tháng mới đem ra vót... Nếu nguyên liệu được chuẩn bị sẵn, trung bình 3 ngày ông Thuận làm xong một chiếc nỏ. Mỗi năm, ông Thuận chế tác được khoảng 100 chiếc nỏ phục vụ thi đấu, bình quân mỗi chiếc nỏ bán với giá 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, chế tác nỏ làm quà tặng, bán 300 nghìn đồng/chiếc.

Được biết, con trai, con gái và con dâu của ông cũng là vận động viên môn bắn nỏ của tỉnh. Với thành tích trong nhiều cuộc thi đấu cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc, gia đình ông Thuận “nỏ” đã đoạt khoảng 200 chiếc huy chương các loại, cùng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh. Trong đó có khoảng 40 chiếc huy chương là các giải ở ngoài tỉnh.

Trước các giải thi đấu trong tỉnh và ngoài tỉnh, ông Thuận được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh mời về làm huấn luyện viên cho các VĐV tham gia thi đấu. Trong những năm qua, nhiều học trò của ông đã đoạt thành tích cao, như các vận động viên: Lù Văn Hồng, Lường Hồng Khay (Thành phố); Lò Thị Hằng, Nguyễn Thị Chi (Yên Châu); Lò Văn Hà, Lường Văn Hân (Sông Mã)... Ông Thuận đã góp sức bảo tồn môn thể thao dân tộc bắn nỏ cho thế hệ trẻ. Ông mong muốn sẽ truyền dạy bí quyết chế tác nỏ cho các con, cháu.

Với những kết quả trên, UBND tỉnh đã tặng 2 Bằng khen về thành tích xuất sắc tại các giải thể thao dân tộc khu vực và toàn quốc cho ông Lò Văn Thuận. Tháng 3/2019, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực Tri thức dân gian vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; tháng 10/2019,  ông được tôn vinh Trí thức tiêu biểu, điển hình lao động sáng tạo của tỉnh.

Hạnh Vi
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới