Nằm ở độ cao khoảng 1.500m - 1.700m so với mặt nước biển, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp. Nơi đây, còn được biết đến có cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi, với hương vị chè đặc trưng không nơi nào có được.
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ tại bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên.
Những người cao tuổi ở xã Tà Xùa kể lại, không ai biết cây chè có từ bao giờ, khi sinh ra đã thấy cây chè có mặt ở vùng đất này. Với hương vị đặc trưng nên người dân đã mang hạt giống của cây chè từ rừng về trồng gần nhà để thuận tiện cho việc thu hái. Hiện nay, Tà Xùa có khoảng 200 ha chè Shan tuyết, trong đó gần một nửa là cây chè cổ thụ, tập trung ở các bản Bẹ, Tà Xùa, Chung Chinh. Tà Xùa có 560 hộ thì có đến 320 hộ trồng chè.
Do quanh năm mây phủ, độ ẩm cao và khí hậu trong lành mát mẻ nên cây chè Shan tuyết nơi đây có búp to, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn, màu trắng như tuyết, người dân nơi đây thường gọi là chè tuyết. Từ lâu, sản phẩm chè búp khô Tà Xùa đã nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh, với giá bán bình quân từ 500-800 nghìn đồng/kg. Hằng năm, người dân xã Tà Xùa thu hái được hơn 300 tấn chè búp tươi, chế biến được hơn 60 tấn chè khô; chè sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đó, nhiều lúc người dân không có chè để bán. Bởi vậy, cây chè được đồng bào Mông nơi đây coi như tài sản vô giá của cha ông để lại.
Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu, cây chè cổ thụ không được người dân chăm sóc, đốn tỉa, bảo vệ, bị chết do già cỗi, năng suất, sản lượng chè giảm. Năm 2008, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành điều tra, tuyển chọn cây chè Shan cổ thụ đầu dòng tại Bắc Yên, tìm ra và đánh số 60 cây chè đầu dòng, dùng để nhân giống, bảo tồn nguồn gen quý. Cuối năm 2019, Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận quần thể cây di sản đối với 200 cây chè cổ thụ Tà Xùa tại bản Bẹ.
Ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, thông tin: Hiện nay, cây chè cổ thụ được cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã chung tay bảo vệ, chăm sóc và quản lý chặt chẽ. Chè cổ thụ được giao đến từng hộ gia đình, được hướng dẫn chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây, mà chỉ phát dọn thực bì quanh gốc tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và thu hái đúng kỹ thuật. Nhờ đó, cây được phục hồi, xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.
Người dân bản Bẹ, xã Tà Xùa thu hái chè cổ thụ.
Cùng với đó, huyện Bắc Yên đã mời gọi các doanh nghiệp chế biến chè của Việt Nam đến đầu tư và phát huy giá trị của cây chè cổ thụ tại địa phương. Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân bảo vệ, chăm sóc, thu hái và chế biến sâu sản phẩm chè cổ thụ và xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh với Trà xanh mây Tà Xùa, Trà xanh thiện; Hợp tác xã Nông nghiệp và Chè Tà Xùa đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 30 ha chè... Cùng với đó, du khách đến du lịch Tà Xùa ngày càng nhiều, sản phẩm chè nơi đây trở thành món quà đặc sản được nhiều du khách lựa chọn.
Hiện nay, sản phẩm chè Tà Xùa đã trở thành đặc sản của huyện Bắc Yên nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Mùa A Châu, bản Bẹ, xã Tà Xùa, chia sẻ: Búp tươi thu hái đến đâu luôn được các công ty, hợp tác xã bao tiêu đến đó. Với hơn 2 ha chè của gia đình, sản lượng chè búp tươi đạt gần 10 tấn/năm, thu về hơn 300 triệu đồng. Nhờ cây chè mà đời sống của gia đình tốt hơn, có điều kiện để lo cho các con ăn học.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc chè cổ thụ.
Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Phòng đã phối hợp với xã, bản tiến hành khảo sát, xác định số lượng, diện tích cây chè cổ thụ; xây dựng dự án, kế hoạch bảo tồn, bổ sung trồng mới, kêu gọi đầu tư chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm chè cổ thụ Tà Xùa. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất hàng hóa, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, việc bảo tồn và phát huy giá trị các vùng chè cổ thụ còn tạo ra nông sản đặc hữu của địa phương, mang lợi thế cạnh tranh cũng như phục vụ phát triển du lịch.
Để bảo tồn và phát triển cây chè Shan tuyết Tà Xùa, huyện Bắc Yên tập trung quy hoạch khu vực trồng chè Shan tuyết, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Mông. Nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Hỗ trợ nhân dân phát triển trồng mới diện tích chè, tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thu hái, chăm sóc chè; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để chè Shan tuyết Tà Xùa ngày càng có nhiều người biết đến và tin dùng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!