Ngày 7/12, tại Ninh Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Ninh Bình và Trường Đại học Temple Hoa Kỳ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế có chủ đề “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại”.
Tham dự tại 2 điểm cầu Ninh Bình và Đại học Temple Hoa Kỳ, có nhiều đại biểu là các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhà khoa học, nghệ thuật truyền thống, âm nhạc, các nghệ nhân thuộc các câu lạc bộ hát Xẩm, lãnh đạo một số viện, học viện, trường đại học, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.
Hội thảo tiếp nhận 40 báo cáo tham luận tập trung nghiên cứu, đánh giá toàn diện và làm rõ 2 nhóm vấn đề: Giá trị đặc trưng và quá trình hình thành, phát triển nghệ thuật hát Xẩm; Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm.
Các tham luận đều có nội dung phong phú, sinh động, làm sáng tỏ nhiều khía cạnh về lý luận, thực tiễn, nhất là những vấn đề cốt lõi về nghệ thuật hát Xẩm trong đời sống xã hội ở Việt Nam từ trước đến nay. Từ đó, đúc kết các giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình, kiêm Trưởng Ban Tổ chức hội thảo Tống Quang Thìn cho biết: Ninh Bình có bề dày lịch sử văn hóa. Xưa kia Ninh Bình là kinh đô của nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam; là nơi có quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; là nơi nổi danh bởi nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu, đã hát xuyên 2 thế kỷ.
Vùng đất này hiện đang lưu giữ khoảng 20 làn điệu hát Xẩm, trong đó có 8 làn điệu chính biểu hiện các cung bậc, cảm xúc, các sắc thái vui, buồn trong đời sống xã hội.
Để khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm bền vững, trở thành một phần tất yếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân và cộng đồng, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm giai đoạn 2019-2022".
Hội thảo thảo khoa học quốc tế bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm lần này là điều kiện thuận lợi để tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, từ đó có cách nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về nghệ thuật hát Xẩm, và tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm bảo tồn, phát triển, phát huy hữu hiệu nghệ thuật này trong đời sống đương đại.
Để hát Xẩm phát triển và lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống văn hóa của đất nước, cần phải có sự quan tâm hơn của chính quyền các địa phương, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, các quỹ văn hóa, các nhà tài trợ. Đặc biệt là trách nhiệm của những nghệ nhân, cộng đồng người dân yêu mến hát Xẩm.
Đối với Ninh Bình, quê hương lâu đời của hát Xẩm, cần triển khai sớm việc làm hồ sơ đề nghị đưa hát Xẩm vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hướng tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đó là trách nhiệm, là hướng đi đúng, thiết thực, kịp thời để có thể bảo vệ di sản văn hóa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!