Vùng đất Sơn La là nơi hội tụ sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hoá mang sắc thái riêng và hết sức quý giá, đã tạo nên cho Sơn La những giá trị văn hoá độc đáo, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội Hết Chá của người Thái trắng Mộc Châu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Sơn La trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhiều đề tài khoa học, đề án, dự án, phương án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện, tiêu biểu như: “Khảo sát sưu tầm lễ hội dân tộc Mông tỉnh Sơn La”; “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong quá trình hội nhập quốc tế”; “Bảo tồn văn hóa cư dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La”; “Bảo tồn di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”; …. Qua đó, đánh giá thực trạng của di sản văn hóa các dân tộc và đưa ra những định hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm kê di sản văn hóa của 9 dân tộc trên địa bàn tỉnh để nhận diện đầy đủ đặc trưng văn hóa của các dân tộc; nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 12 di sản văn hóa tiêu biểu; phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện, truyền dạy và tư liệu hóa loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Nhạc cụ truyền thống; dân ca, dân vũ; nghề thủ công truyền thống và các nghi lễ truyền thống; tổ chức hơn 100 lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể…
Nghệ nhân ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu truyền dạy múa khèn Mông cho thế hệ trẻ.
Phát huy thế mạnh vốn văn hoá truyền thống, từ những chất liệu dân gian, tỉnh Sơn La còn đầu tư sáng tạo để nâng cao và làm phong phú thêm vốn văn hoá cổ truyền của các dân tộc, xây dựng những giá trị mới, diện mạo văn hoá mới, phù hợp với xu thế vận động và phát triển trong mạch chảy liên tục của văn hoá tỉnh nhà. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo dàn dựng, sáng tác các điệu múa, bài hát mới; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động ngày Hội văn hóa các dân tộc Sơn La, Hội chợ văn hóa ẩm thực các dân tộc Sơn La, sản phẩm nghề thủ công, sản phẩm nông, lâm nghiệp; tham gia và đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc, các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật... góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của tỉnh; quảng bá hình ảnh, di sản văn hóa các dân tộc Sơn La với các vùng, miền trong cả nước và các quốc gia trong khu vực.
Năm 2021, Sở đã tập trung thực hiện 6 Dự án: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; tổ chức Bảo tồn phát huy di sản văn hóa trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể năm 2021; lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa “Nghi lễ Mo Mường” đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; phát huy giá trị của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch… Kết quả, UNESCO đã ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 15/12/2021. Tuyên truyền, phổ cập tác phẩm múa “Vũ điệu kết đoàn” do đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội sáng tác đến với nhân dân trong tỉnh, khu vực Tây Bắc và toàn quốc.
“Nghệ thuật Xòe Thái” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 15/12/2021.
Ông Trần Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thêm: Trong giai đoạn 2022-2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tập trung tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về bảo tồn phát huy di sản văn hóa được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Hoàn thành việc lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, ưu tiên di sản văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Thực hiện số hóa và lập bản đồ số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu…
Với việc quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh được lưu giữ và ngày càng phát triển, làm sinh động, phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân tộc vùng Tây Bắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!