Những năm qua, huyện Mường La luôn thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cho đồng bào La Ha trên địa bàn.
Múa khăn quanh “xặng bók” trong chương trình phục dựng Lễ hội Pang A bản Huổi Liếng, xã Nặm Păm (Mường La) năm 2020.
Dân tộc La Ha hiện sinh sống ở 17 bản, thuộc 11 xã trong huyện, với 955 hộ dân, chiếm gần 5% dân số toàn huyện. Dân tộc La Ha có nhiều nét văn hóa truyền thống, như: Lễ hội Dâng Hoa Măng và Pang A; lễ mừng cơm mới, điệu múa Tăng Bu; trang phục; tiếng nói, cưới hỏi... Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa này, huyện đã đẩy mạnh nghiên cứu và phối hợp với các sở, ngành liên quan phục dựng các lễ hội, trang phục, tiếng nói, gắn với phát triển tiềm năng du lịch; tuyên truyền để đồng bào dân tộc La Ha tự hào, quý trọng những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Các lễ hội của người La Ha, phải kể đến Lễ hội Dâng Hoa Măng và Pang A, là hai lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng 3 - 4 hàng năm. Trong lễ hội có một cây nêu (xặng bók) được dựng ở giữa nhà (gồm cây tre, chuối và cây mía buộc vào nhau, cao đến nóc nhà). Trên xặng bók được cài trang trí dải hoa vải, hình các con vật, quả còn, hoa ban, hoa mạ, kiếm, khiên, cày, bừa làm bằng gỗ... Ngoài những thủ tục tín ngưỡng (phần lễ) không thể thiếu những điệu múa độc đáo của đồng bào La Ha.
Nét văn hóa độc đáo của dân tộc La Ha là điệu múa Tăng Bu. Các đạo cụ, nhạc cụ để biểu diễn trong bài múa khá đơn giản, dễ làm. Bài diễn tấu có 5 người phụ nữ cầm những chiếc gậy tre dài khoảng 1,2 m, thúc xuống tấm ván gỗ theo nhịp 2-3 xuyên suốt cả tiết mục, ngoài ra còn có mõ và đàn đao đao được làm từ những ống nứa để đệm. Những âm thanh này kết hợp với nhau mang lại không khí vui tươi rộn ràng. Những động tác, nhịp điệu trong bài múa mô phỏng tập quán sản xuất nông nghiệp, như chọc lỗ, tra hạt, gặt lúa..., gửi gắm ước muốn về một mùa vụ bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng ấm no.
Bà Lò Thị Mai, bản Kẻ, xã Ngọc Chiến (Mường La), dân tộc La Ha, chia sẻ: Những lễ hội hay điệu múa Tăng Bu, trang phục của người La Ha đã có từ rất lâu đời. Ngay từ bé, tôi đã được tham gia lễ hội và truyền dạy lại điệu múa Tăng Bu, cách thêu hoa văn và làm trang phục. Những nét văn hóa đó, tôi sẽ dạy lại cho con cháu mình, để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc La Ha.
Nói về việc hỗ trợ bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống dân tộc La Ha trên địa bàn, ông Nguyễn Trọng Hiệp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường La, cho biết: Từ năm 2019 đến nay, huyện đã tổ chức 4 lớp truyền khẩu dạy tiếng dân tộc La Ha cho 152 học viên thuộc xã Chiềng Lao và xã Hua Trai; tổ chức phục dựng lễ hội Dâng Hoa Măng và Pang A tại 17 bản; hỗ trợ thành lập, duy trì 17 đội văn nghệ bản của người La Ha... Ngoài ra, hỗ trợ 540 triệu đồng mua trang thiết bị cho nhà văn hóa các bản người La Ha.
Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc La Ha, mà còn được huyện Mường La định hướng để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, đóng góp vào kho tàng bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!