Bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Mường

Dân tộc Mường ở Sơn La chiếm 8,4% dân số, cư trú chủ yếu ở các huyện: Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu và vùng ven sông Đà thuộc huyện Mai Sơn. Đồng bào Mường có nền văn hóa truyền thống độc đáo: hát Ðang, hát ví giao duyên và các lễ hội mợi, kéo si, đua thuyền... góp phần gìn giữ và bổ sung vào kho tàng giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.

 

Đâm đuống - nét văn hóa dân tộc Mường ở Mường Do (Phù Yên).

 

Lễ hội Mợi của đồng bào Mường thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, cầu cho mọi người khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản mường no ấm, cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới ngày một tốt hơn. Đây cũng là dịp để người dân bản trên, mường dưới thăm thân, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái trưởng thành... Nhằm phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, những năm gần đây, huyện Phù Yên đã tổ chức phục dựng thành công lễ hội này; quảng bá rộng rãi tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Sơn La và nhiều lần được chọn tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc do các tỉnh luân phiên đăng cai tổ chức.

Lễ kéo si là lễ cầu an, chúc phúc, trường thọ cho những bậc cao niên, nhằm động viên, khích lệ người già lạc quan, sống vui, sống khỏe, xứng đáng là cây cao bóng cả, là điểm tựa tinh thần cho con cháu. Lễ hội thường được tổ chức vào dịp cuối năm, mùa nông nhàn. Kéo si có quy mô nhỏ, mang tính dòng tộc, gia đình, nhưng đã được đồng bào Mường duy trì, bảo tồn nâng lên thành lễ hội giáo dục con cháu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Sau khi hồ thủy điện Hòa Bình tích nước, các chợ phiên dọc tuyến vùng hồ hình thành, thường xuyên tổ chức họp chợ vào các phiên định kỳ, trở thành nơi giao thương hàng hóa, cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa của bà con trong khu vực chứ không riêng gì miền sông nước. Dù chưa thành thương hiệu nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai), chợ tình Khâu Vai (Hà Giang)... nhưng chợ phiên vùng hồ sông Đà đã góp phần tạo nên diện mạo mới về nét văn hóa riêng biệt của cư dân vùng hồ sông Đà.

Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa truyền thống vùng miền của đồng bào Mường chưa được quảng bá rộng rãi như mong muốn, chưa có điểm nhấn, phát triển tương xứng với giá trị đích thực của nó. Việc phục dựng lễ hội phần lớn là các diễn viên không chuyên được triệu tập theo sự vụ, sự kiện, nên tính chuyên sâu gắn lễ hội từng vùng miền còn lúng túng khi tổ chức. Lời đang, câu ví nếu được tập huấn, truyền dạy, giao lưu thường xuyên gắn với văn hóa các chợ phiên vùng hồ sẽ tạo thành chuỗi văn hóa du lịch dọc miền sông nước, thu hút, mời gọi du khách thập phương đến khám phá, giao lưu, trải nghiệm...

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, những người làm công tác văn hóa, những nghệ nhân và đồng bào các dân tộc cần chung tay bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Mường - bộ phận văn hóa không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Sơn La, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Anh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới