Những năm qua, Bảo tàng tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và phổ biến giáo dục khoa học thông qua hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, tuyên truyền..., góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh.
Khách thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Hiện, Bảo tàng tỉnh đang quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Nghĩa trang liệt sỹ Nhà tù Sơn La, di tích cây đa bản Hẹo, di tích Văn bia Quế Lâm Ngự Chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông, Nhà trưng bày - kho bảo quản di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Vì vậy, công tác phục vụ khách tham quan luôn được chú trọng, đơn vị chủ động phân công lịch trực hợp lý; tăng thời gian mở cửa, bố trí hướng dẫn viên phục vụ các đoàn khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu, học tập; xây dựng kế hoạch phối hợp với phòng giáo dục - đào tạo các huyện, thành phố tổ chức cho học sinh đến học tập và trải nghiệm tại các di tích... Năm 2017, đơn vị đã phục vụ hơn 400.000 lượt khách; tổ chức 104 cuộc tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên tại các khu di tích.
Đặc biệt, công tác nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ các di sản văn hóa luôn được quan tâm, thực hiện tốt công tác bảo quản tư liệu, hiện vật; xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa 100 cuốn sách chữ Thái cổ; nhập hồ sơ, lý lịch hiện vật dân tộc Thái, Mông, Kháng, cổ vật vào phần mềm di sản văn hóa, vào sổ kiểm kê được 60 hồ sơ lý lịch; vào sổ chuyên đề các tài liệu và nhập mới hồ sơ tù chính trị 104 tài liệu; sưu tầm 150 tư liệu, hiện vật (10 hiện vật dân tộc Thái, Khơ Mú, La Ha, 12 hiện vật cổ, 128 tư liệu ảnh); hoàn hiện các nội dung và tổ chức báo cáo nghiệm thu Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa thời tiền - sơ sử vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”; thực hiện Đề án ‘’Bảo tồn, dịch thuật và phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La’’; nghiên cứu chỉnh lý nội dung thuyết minh di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; thực hiện sưu tầm, xây dựng đề cương và tổ chức trưng bày tại Di tích cách mạng Việt Nam - Lào (bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu).
Trao đổi với ông Phạm Duy Khương, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, được biết, đơn vị tiếp tục tham mưu, đề xuất với ngành, tỉnh, Cục Di sản văn hóa tăng cường các giải pháp quản lý, tu bổ, tôn tạo, khai thác các di tích đã xếp hạng; xây dựng đề cương, sưu tầm tư liệu hiện vật, lập ma két và tổ chức trưng bày triển lãm “Thành tựu hợp tác phát triển Sơn La với các tỉnh Bắc Lào” phục vụ Tuần văn hóa Việt Nam - Lào tổ chức tại tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) trong năm nay; xây dựng đề cương và tổ chức trưng bày triển lãm “Thể thao Sơn La một chặng đường phát triển” phục vụ Đại hội thể dục thể thao tỉnh Sơn La lần thứ VIII, năm 2018; lập hồ sơ di tích trình UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử lũng Đán Đanh, xã Mường Chùm (Mường La); danh thắng hang động bản Lùn, xã Mường Sang (Mộc Châu); hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 di tích...
Nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa, thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tiếp tục tăng cường công tác điều tra, khảo sát các di chỉ khảo cổ học và tổ chức khai quật theo đúng quy định của pháp luật; đề xuất thực hiện và xây dựng các phương án bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trong toàn tỉnh; tổ chức các cuộc điền dã, điều tra khảo sát, phát hiện các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, xây dựng kế hoạch danh mục phân loại, xác định quy mô, giá trị, lập hồ sơ lý lịch xếp hạng di tích hàng năm một cách hệ thống và khoa học.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!