Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc La Ha

Việc lưu giữ ngôn ngữ, chữ viết của mỗi dân tộc là rất quan trọng, song hiện nay, dân tộc La Ha ở huyện Mường La có nhiều người không biết nói tiếng dân tộc mình mà phải sử dụng ngôn ngữ của dân tộc khác, dẫn đến nguy cơ mai một phong tục tập quán, văn hóa lâu đời của dân tộc La Ha.

 

Dân tộc La Ha bản Lọng Bong, xã Hua Trai (Mường La) tẳng cẩu, mặc váy và nói tiếng dân tộc Thái

 

Trên địa bàn huyện Mường La có 17 bản dân tộc La Ha, với 1.022 hộ, 5.338 nhân khẩu, sống rải rác ở các xã: Pi Toong, Nặm Păm, Ngọc Chiến, Hua Trai, Mường Trai, Nặm Giôn, Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn và Chiềng Lao. Người La Ha cư trú ven sông, suối, sườn đồi, thành những bản riêng lẻ hoặc xen lẫn với người Thái, Khơ Mú. Trong đó, có 4 bản Nà Tạy, Pá Hát (xã Pi Toong), Huổi Ban (Mường Trai) và bản Huổi Liếng (Nặm Păm) vẫn duy trì tốt tiếng nói dân tộc La Ha; 5 bản có ít người biết nói, còn lại 8 bản, không có người biết nói tiếng dân tộc mình.

Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường La, cho biết: Một trong những nguyên nhân người La Ha không biết tiếng dân tộc mình là do sống phân tán, hoặc xen kẽ với dân tộc Thái, trải qua nhiều năm, bị ảnh hưởng phong tục tập quán, đặc biệt là ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc Thái.

Để bảo tồn tiếng nói của dân tộc La Ha trên địa bàn tỉnh nói chung và ở huyện Mường La nói riêng, năm 2020, thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2017-2025, huyện Mường La đã tổ chức 4 lớp học tiếng cho 152 học viên là người dân tộc La Ha tại các bản: Huổi Quảng, Tạng Khẻ, Huổi Tóng, xã Chiềng Lao; bản Lọng Bong (xã Hua Trai), nguồn kinh phí được nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng, góp phần bảo tồn, phát huy và duy trì tiếng nói trong đồng bào dân tộc La Ha.

Ông Quàng Văn Hóa, bản Nà Tạy, xã Pi Toong, chia sẻ: Năm 2020, tôi được huyện phân công tham gia dạy tiếng dân tộc La Ha cho 80 người tại bản Tảng Khẻ và Huổi Tóng, xã Chiềng Lao, với các nội dung giao tiếp trong sinh hoạt hàng ngày, gọi tên các vật dụng, mối quan hệ trong gia đình. Sau một tháng, nhìn chung, bà con tiếp thu tốt, có thể giao tiếp bằng tiếng của dân tộc mình.

Bản Lọng Bong, xã Pi Toong ở khá biệt lập, những ngôi nhà sàn và người dân nói tiếng Thái, khiến chúng tôi nghĩ đây là bản của đồng bào dân tộc Thái. Anh Cà Văn Sinh, Bí thư Chi bộ bản, chia sẻ: Bản có 93 hộ, 400 nhân khẩu. Là bản dân tộc La Ha, nhưng hầu hết bà con đều không biết tiếng của dân tộc mình, mà lại nói tiếng dân tộc Thái. Năm qua, huyện đã tổ chức lớp dạy tiếng La Ha cho bà con, mỗi hộ cử một người tham gia, sau đó về truyền lại cho các thành viên trong gia đình.

Chị Quàng Thị Biên, bản Lọng Bong, tham gia lớp học tiếng La Ha, nói: Ngày trước, tôi cũng như bao người khác trong bản chỉ nói tiếng Thái. Tham gia lớp học, chúng tôi nói tiếng của dân tộc mình, hiểu thêm về phong tục tập quán. Để nhớ những từ đã được học, hàng ngày các thành viên trong gia đình chúng tôi nói chuyện với nhau và gọi tên các đồ vật trong nhà bằng tiếng La Ha.

Để bảo tồn tiếng nói của dân tộc La Ha trước nguy cơ bị mai một, thiết nghĩ, ngoài tổ chức những lớp học tiếng La Ha, cần tiếp tục quan tâm khôi phục những nét văn hóa đặc sắc, lễ hội truyền thống để lớp trẻ hiểu và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới