Nghề gốm là một trong những nghề truyền thống hình thành lâu đời. Nhắc đến nghề gốm, nhiều người sẽ nghĩ đến các làng gốm truyền thống nổi tiếng, như Bát Tràng, Hương Canh, Chu Đậu, Thổ Hà, Phù Lãng... Nhưng nay, tại cao nguyên Mộc Châu, đã xuất hiện xưởng gốm Mộc Châu (Pottety Mộc Châu) của HTX đặc sản Tây Bắc, với nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của các đồng bào dân tộc, được nhiều du khách và người dân biết đến, tham quan và trải nghiệm.
Các học viên tạo hình trang trí lên các sản phẩm gốm.
Xưởng gốm Mộc Châu của HTX đặc sản Tây Bắc tại tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu do nghệ nhân Phạm Tiến Khang ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) lên mở từ tháng 5/2020. Xưởng được xây dựng trên diện tích 300m², cho ra lò những lọ hoa, bình cảnh, cốc, đĩa gốm đẹp, mang những nét độc đáo, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc và tất cả đều được làm thủ công 100%. Các sản phẩm được làm từ đất sét ở xã Tân Lập, thị trấn Mộc Châu, men được tạo từ bùn lấy từ thác Dải Yếm, kết hợp với than củi từ cây mận hậu Mộc Châu. Hoa văn trên các sản phẩm mang đậm dấu ấn Tây Bắc, được tạo ra bằng những bàn tay khéo léo của các học viên dân tộc Mông, thả hồn vào những tác phẩm trên gốm.
Em Hoàng Thị Sanh ở bản Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu, cho biết: Ngay từ nhỏ, chúng em đã được các bà, các mẹ dạy vẽ và thêu các họa tiết trên các bộ trang phục dân tộc. Khi học làm nghề gốm dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân, em cảm thấy rất thích thú và phù hợp với khả năng của mình. Em sẽ cố gắng kiên trì để học nghề và tạo ra nhiều sản phẩm gốm đẹp và có hoa văn đặc trưng của dân tộc mình.
Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Phạm Tiến Khang, thành viên HTX, cho biết: Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thấy nghệ thuật gốm phù hợp với những người phụ nữ dân tộc ở Mộc Châu vì gốm là một loại hình nghệ thuật mang tính dân gian đặc sắc, được tạo nên từ trí sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ gốm. Với những người phụ nữ dân tộc đã quen với những họa tiết thêu truyền thống nên dễ dàng truyền tải những họa tiết đó lên các sản phẩm gốm. Tôi hy vọng đào tạo ra một lớp thợ gốm trẻ có niềm đam mê để tạo nên những sản phẩm độc đáo, mới mẻ mang đậm nét truyền thống riêng có của vùng núi rừng Tây Bắc, xây dựng nghề gốm ở Mộc Châu.
Rời xưởng gốm Mộc Châu, chúng tôi theo nghệ nhân Phạm Tiến Khang tới cơ sở 2 ở bản Chiềng Đi, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Tại đây các em học sinh lớp 7A4 Trường THCS Mộc Lỵ đang hào hứng chờ nghệ nhân đến để tổ chức chương trình “Hành trình của đất”- một ngày cùng làm gốm Mộc Châu. Sau lời giới thiệu về lịch sử nghề gốm, về ý nghĩa buổi trải nghiệm, các em được hướng dẫn các kỹ thuật làm một chiếc cốc đơn giản từ những nắm đất sét và cầm bút khắc, vẽ hình trên cốc. Ai nấy đều vui vẻ, dùng bàn xoay và bàn tay khéo léo vuốt thành hình cái cốc. Sau khi đã thành hình chiếc cốc, các bạn nhỏ đều tập trung trang trí cho chiếc cốc của mình thật độc đáo và đặc biệt...
Nghệ nhân Khang cho biết thêm: Trong 6 tháng qua, HTX đặc sản Tây Bắc đã phối hợp tổ chức cho hơn 1.000 học sinh trên địa bàn huyện Mộc Châu đến tham quan và trải nghiệm những điều thú vị với chương trình “Hành trình của đất”- một ngày cùng làm gốm Mộc Châu. Qua đó, không chỉ giúp các em giải trí sau những ngày học hành căng thẳng mà còn giúp các em sẽ biết yêu quý và trân trọng hơn các sản phẩm từ gốm. Đồng thời, phát triển được sự sáng tạo, rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ thông qua các thao tác thủ công. Trong thời gian tới, khi đào tạo học viên thật vững và đông đảo hơn, chúng tôi sẽ mở rộng và nâng cấp sản xuất các sản phẩm như vòng đeo tay, cổ, các vật dụng gốm trang trí để làm quà tặng du lịch, mở rộng cách thức trải nghiệm, hướng tới khách du lịch nước ngoài đến tự tay làm những sản phẩm gốm nhỏ xinh đầy màu sắc, làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Với sự độc đáo, xưởng gốm Mộc Châu ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm, bình quân đón khoảng 300 lượt khách/tháng. Hy vọng, nghề gốm ở Mộc Châu sẽ được quan tâm đầu tư đúng mức, đúng hướng, trở thành một trong những kênh giáo dục không chỉ về kiến thức trên lớp học mà bên cạnh đó là kĩ năng sống, rèn luyện cả trí, thể, mỹ cho thế hệ trẻ. Đồng thời, tạo ra những sản phẩm gốm quảng bá hình ảnh của khu du lịch Mộc Châu cũng như những nét văn hóa đặc trưng của các đồng bào dân tộc nơi đây đến với du khách trong và ngoài nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!