Xác định mở rộng diện tích trồng cây ăn quả là một trong những hướng đi quan trọng, xã Xuân Nha (Vân Hồ) tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo đất vườn, đất đồi để trồng cây ăn quả, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân bản Thín, xã Xuân Nha (Vân Hồ) chăm sóc vườn cây ăn quả.
Trong sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả được người dân Xuân Nha trồng từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát, phục vụ nhu cầu trong gia đình là chính, chưa quan tâm phát triển hàng hóa. Nhận thấy trồng cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã và các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hộ; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa những cây giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông xã chủ động hướng dẫn nông dân sản xuất đúng mùa vụ, tuân thủ quy trình kỹ thuật; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, như: Cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây ăn quả; sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP; xen canh, tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Trong năm 2018, Hội Nông dân xã đã phối hợp mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nhãn, chanh leo cho 120 lượt người; từ nguồn vốn của Chương trình 135 hỗ trợ trồng cây ăn quả, đã hỗ trợ gần 600 cây xoài giống Đài Loan (Trung Quốc) cho 46 hộ nghèo, cận nghèo của 3 bản Pù Lầu, Chiềng Hin, Thín trồng trên đất vườn.
Theo thống kê của bà Đinh Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã, Xuân Nha hiện có trên 210 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn ghép, xoài Đài Loan (Trung Quốc), bưởi Diễn... tập trung tại các bản: Nà Hiềng, Chiềng Nưa và Pù Lầu. Đây là những vùng đất đồi có độ dốc vừa phải, nguồn nước tương đối ổn định, phù hợp phát triển các loại cây ăn quả. Từ năm 2018 đến nay, Xuân Nha trồng mới hơn 80 ha cây nhãn, xoài, bưởi. Hiện nay, những vườn nhãn ghép, xoài Đài Loan ghép năm thứ 2, thứ 3 đã bắt đầu cho thu hoạch; riêng cây táo đại đang được người dân trồng thử nghiệm trên 4 ha, bước đầu cho thấy hiệu quả bởi giá cả tương đối ổn định. Dù chưa nhiều, nhưng xã đã có một số hộ giàu lên từ cây ăn quả, như gia đình ông Mùi Văn Bảo (bản Chiềng Nưa), trồng 2 ha nhãn ghép, thu hơn 200 triệu đồng/năm; anh Hà Văn Minh (bản Pù Lầu), thu hơn 100 triệu đồng/năm từ cây nhãn, xoài Đài Loan; ông Mùi Văn Xuân (bản Thín) trồng 1.800 cây táo đại, 2.000 cây bưởi da xanh, 1.200 cây xoài Đài Loan, thu khoảng 200 triệu đồng/năm. Ông Xuân chia sẻ: Để có được vườn cây phát triển tốt như hôm nay, từ năm 2016, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển phần đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây táo đại và đầu tư hơn 100 triệu đồng mua cây giống, phân bón và thuê máy làm đất về cải tạo lại vườn trồng cây ăn quả. Được chăm sóc cẩn thận nên sau 1 năm cây táo đại đã cho thu quả, vụ năm 2018, gia đình tôi thu hoạch trên 7 tấn táo đại, với giá bán ổn định 28-30 nghìn đồng/kg, thu về gần 200 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ mua thêm cây giống để tiếp tục trồng, mở rộng diện tích cây ăn quả.
Mở rộng mô hình cây ăn quả thực sự khuyến khích bà con nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững, Xuân Nha đang tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng cây lương thực, cây hoa màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, đặc biệt là các loại cây ăn quả phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương; quan tâm thành lập HTX trồng cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cây ăn quả của xã, liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!