Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Tô Múa (Vân Hồ) hoàn thành 9/19 tiêu chí. Song, thu nhập bình quân mới đạt hơn 10 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm trên 42% số hộ dân của xã. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.
Nhân dân bản Liên Hưng, xã Tô Múa (Vân Hồ) chăm sóc cây cam Vinh.
Đồng chí Hà Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Tô Múa cho biết: Trước khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân toàn xã chỉ đạt 3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trên 70%. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, xã đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập và xác định thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương là sản xuất nông nghiệp.
Với hướng đi đó, xã Tô Múa tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đa canh, đa sản phẩm. Toàn xã có trên 1.300 ha đất sản xuất nông nghiệp, bà con đã trồng 530 ha ngô lai, năng suất hơn 7 tấn/ha; 58 ha lúa mùa, năng suất 5,5 tấn/ha; hơn 400 ha chè Shan tuyết, năng suất bình quân đạt hơn 12 tấn/ha, sản lượng chè nguyên liệu năm 2018 đạt trên 5.000 tấn, với giá thu mua ổn định 6.000 đồng/kg búp chè tươi đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân trong xã... Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây ăn quả, nhiều hộ trồng thí điểm và đã năng động chuyển đổi diện tích đất vườn tạp sang trồng cây ăn quả. Đến nay, diện tích cây ăn quả của xã đã phát triển lên trên 120 ha, chủ yếu là các loại cây: Cam Vinh, bưởi da xanh và cây bơ. Trong đó, trên 20 ha cam Vinh đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân trên 50 tấn quả/năm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đạt, bản Liên Hưng là những hộ trồng cam Vinh với quy mô lớn trong xã. Năm 2014, gia đình ông đầu tư trồng trên 3 ha, với hơn 2.000 gốc cam, do đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, nên diện tích cam của gia đình ông phát triển tốt. Năm 2017, gia đình thu hoạch hơn 10 tấn quả, cam được giá, trừ chi phí thu về trên 200 triệu đồng. Có thu nhập từ cây cam đã giúp gia đình ông Đạt từng bước ổn định cuộc sống, tiếp tục có thêm vốn đầu tư phát triển vườn cam lên 3.000 gốc, hứa hẹn vụ cam năm nay sẽ cho một nguồn thu không nhỏ.
Nhân dân xã Tô Múa (Vân Hồ) thu hái chè.
Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đồng thời, định hướng, khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại tập trung. Hiện, xã duy trì và phát triển hơn 2.300 con trâu, bò; 2.000 con lợn trên 2 tháng tuổi; 20.800 con gia cầm các loại. Xã vận động nhân dân trồng 30 ha cỏ, tạo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Cán bộ thú y xã thường xuyên hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Sản phẩm chăn nuôi đang trở thành hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Kinh doanh dịch vụ cũng từng bước phát triển, hiện, trên địa bàn xã đã có trên 30 hộ tiểu thương tham gia kinh doanh, buôn bán. Nhờ vậy, thu nhập của người dân trong xã ngày càng được nâng lên, hết năm 2018, toàn xã đã giảm được 54 hộ nghèo so với năm 2016.
Khó khăn lớn nhất đối với người dân xã Tô Múa khi phát triển các mô hình kinh tế là thiếu nguồn vốn. Để giải quyết vấn đề này, các hội đoàn thể của xã đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vân Hồ tạo điều kiện cho trên 800 hộ dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với tổng dư nợ trên 32 tỷ đồng. Trong năm 2018, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp thuộc Chương trình 135 (giai đoạn 2016-2020) đã hỗ trợ giống và phân bón cho các hộ dân bản Khảm, bản Dạo trồng 6,8 ha bưởi và 5 ha cây sơn tra tại bản Khảm.
Cùng với việc phấn đấu đạt các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã Tô Múa tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phát huy nguồn nội lực, tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình dự án, sự đóng góp của người dân để hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu... tạo tiền đề cho việc nâng cao tiêu chí thu nhập. Quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế... Xã phấn đấu năm 2019 thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm, năm 2020 đạt 22 triệu đồng và đến cuối năm 2022 đạt chuẩn về tiêu chí thu nhập.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!