Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Mường Men (Vân Hồ) đạt 8/19 tiêu chí, diện mạo nông thôn đã có những đổi thay, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, để hoàn thành xây dựng nông thôn mới đúng lộ trình thì vẫn đang là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây. Do các tiêu chí đều cần nguồn kinh phí lớn, trong khi tốc độ phát triển kinh tế của địa phương còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ.
Diện tích đất trồng lúa khu vực bản Ui, xã Mường Men (Vân Hồ) bị mưa lũ bồi lấp.
Cái khó nhất trong xây dựng nông thôn mới ở xã là kinh tế chậm phát triển. Mường Men thuộc xã vùng 3, có 4/7 bản đặc biệt khó khăn, chủ yếu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển đồng bộ, hầu hết sản phẩm nông nghiệp chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trong xã. Xã có trên 4.400 ha đất tự nhiên, trong đó chỉ có hơn 500 ha đất sản xuất nông nghiệp, phần lớn là đất đồi núi dốc, ít màu mỡ, còn lại là đất lâm nghiệp. Năm 2018, bà con bắt đầu chuyển đổi trên 20 ha trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, nhưng do thiếu nguồn nước tưới tiêu, thời tiết không thuận lợi; người dân chưa đầu tư, chăm sóc nên cây trồng phát triển chậm, trong đó, có 4 ha trồng cây bơ tại bản Nà Pa phát triển kém, gần 1 ha trồng xoài ở bản Ui bị chết. Mặt khác, do ảnh hưởng của mưa lũ nên gần 12 ha ruộng ở các bản đều bị ngập nặng, làm hư hỏng hoa màu của bà con; công trình thủy lợi bản Khà Nhài, bản Uông bị lũ cuốn trôi. Đến thời điểm này, xã còn 1 bản chưa có điện lưới Quốc gia, bà con sử dụng bình ắc quy hoặc sử dụng máy phát điện mini chạy bằng nước để chiếu sáng, nhưng cũng chỉ sử dụng được trong mùa mưa. Sản phẩm chăn nuôi chưa trở thành hàng hóa, vì vậy, thu nhập bình quân ở xã mới đạt 8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã trên 66%.
Ông Vì Văn Chiên, Trưởng bản Uông chia sẻ: Bản Uông cách trung tâm xã khoảng 8 km, từ trước đến nay, người dân bản Uông vẫn thâm canh 25 ha ngô, cho năng suất thấp từ 3,5 - 4 tấn/ha và 5,3 ha lúa, năng suất 4 tấn/ha. Năm nào không hạn hán, mưa lũ thì được thu hoạch, năm thời tiết không thuận lại thất thu. Cái nghèo đeo bám cuộc sống của bà con trong bản do điều kiện canh tác khó khăn, hệ thống kênh mương thủy lợi chưa đáp ứng đủ nguồn nước tưới; bản lại không có điện lưới Quốc gia, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bà con. Vì vậy, đến nay 35/36 hộ dân trong bản đều là hộ nghèo.
Tìm hiểu được biết thêm, Mường Men có trên 80% diện tích là đồi núi dốc, do vậy việc thực hiện tiêu chí giao thông không đơn giản. Cùng với đó, kinh tế khó khăn nên việc đóng góp để xây dựng đường giao thông nông thôn càng hạn chế. Nhất là ở 4 bản: Suối Van, Khà Nhài, bản Chột, bản Uông khó có thể hoàn thành tiêu chí giao thông nếu như không có nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Hiện, xã mới bê tông hóa được 1,2/22 km đường giao thông trục chính của các bản, còn lại đều là đường đất, trời mưa trơn trượt, lầy lội. Mặc dù hằng năm các tuyến đường này đều được bà con tu sửa, nhưng sau mỗi mùa mưa lại lún sụt, sạt lở, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại và vận chuyển nông sản của các hộ dân trong xã. Cùng với đó, 13/13 km đường trục chính nội đồng cũng chưa được cứng hóa.
Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã có 7/7 bản đã có nhà văn hóa. Tuy nhiên, có 3 nhà văn hóa bản xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp, do vậy cần cải tạo, nâng cấp để đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Hầu hết các nhà văn hóa bản đều không có sân chơi thể thao, chưa đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao của bà con. Bên cạnh đó, tiêu chí trường học cũng được đánh giá là tiêu chí khó đối với Mường Men. Hiện tại, trên địa bàn xã có 1 trường Tiểu học và THCS, 1 trường mầm non, nhưng được xây dựng đã lâu, hiện đã xuống cấp. Bên cạnh đó, các trường cần phải được đầu tư xây dựng thêm nhiều hạng mục mới để đủ điều kiện có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia...
Với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của huyện giải quyết những khó khăn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ những khó khăn, thuận lợi cũng như lợi ích và trách nhiệm của mỗi người trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể đối với từng tiêu chí; thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn vốn, nguồn lực của địa phương, các nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu... phấn đấu hết năm 2019 sẽ hoàn thành thêm 2 tiêu chí: Nhà ở dân cư và văn hóa. Song để đạt được các tiêu chí nông thôn mới, Mường Men rất cần nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!