Tảo hôn - Bài toán nan giải ở Lóng Luông

Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhiều em gái đã phải bỏ ngang “cái chữ” để gánh trên đôi vai trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Hầu hết những “cặp vợ chồng trẻ con” sống trong những ngôi nhà tềnh toàng hoặc phụ thuộc vào cha mẹ, cuộc sống chồng chất khó khăn kéo theo sự đói nghèo. Đó là những cảm nhận của chúng tôi khi đến thăm các cặp vợ chồng tảo hôn tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ.

 

Em Thầu Thị Chư, bản Co Lóng, xã Lóng Luông (Vân Hồ) năm nay mới 16 tuổi nhưng đã có con 2 tuổi.

Những ông bố, bà mẹ “nhí”

Lóng Luông đang vào mùa thu ngô chính vụ, hầu hết người dân đều đi bẻ ngô cả ngày và thậm chí ngủ lại trên nương. Vì vậy, gặp họ thời gian này rất khó, chỉ có cách là lên nương hoặc đợi đến tối muộn - anh Tếnh A Kháng, cán bộ phụ trách dân số-KHHGĐ (Trạm Y tế xã Lóng Luông) đã nói như vậy với chúng tôi... Tìm đến từng gia đình có cặp tảo hôn, nhưng phải tới hộ thứ năm, chúng tôi mới gặp được cặp vợ chồng Giàng A Lý - Sồng Thị Chua, bản Co Lóng, chồng 16 tuổi và vợ mới chỉ 14 tuổi. Trên khuôn mặt của cả hai vợ chồng, vẫn còn nguyên sự hồn nhiên của tuổi mới lớn. Cũng với sự hồn nhiên và ngây thơ, A Lý kể: Trước khi lấy nhau, em và Chua là học sinh của Trường THCS Lóng Luông. Em thấy Chua xinh nên hỏi làm vợ và xin bố mẹ làm đám cưới. Cuộc sống của hai vợ chồng giờ phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ.

Rời nhà của vợ chồng A Lý, chúng tôi tiếp tục đến gia đình vợ chồng Giàng A Di và Thầu Thị Chư, đây là một trong những hộ nghèo của bản. Ngôi nhà tềnh toàng của vợ chồng A Di nằm sát chân đồi. Bên bếp lửa bập bùng, Chư vừa ngồi bế đứa con mới hơn 1 tuổi, vừa đun nước để mời khách. A Di cho biết, Chư năm nay 16 tuổi, quê ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Trước đây, Chư đã có một đời chồng và đứa trẻ Chư đang bế là con riêng. Vì nhiều lý do, Chư phải bỏ quê lên đây sinh sống. Thấy Chư có con nhỏ lại một thân, một mình nên thương, bảo Chư về làm vợ. Do nghèo và vợ đã có con nên không làm đám cưới nữa.

Anh Tếnh A Kháng tiếp tục đưa chúng tôi đến gia đình cặp vợ chồng nhí Sồng A Lử - Mùa Thị Dúa, bản Săn Cài. Trên đường đi, anh Kháng thông tin: Cặp này cưới nhau cách đây 2 năm, lúc đó vợ 17 tuổi, còn chồng 19 tuổi, hiện họ đã có một cô con gái gần 24 tháng tuổi. Trong nhà ngoài chiếc tivi cũ, không có gì đáng giá, các đồ dùng như xoong, nồi, bát, đĩa... để lộn xộn. A Lử kể về hoàn cảnh của mình: Mẹ mất sớm, lấy vợ được một thời gian thì bố cũng qua đời. Hiện hai vợ chồng phải đi làm thuê lấy tiền trang trải cuộc sống. Buồn và khó khăn nhất là con gái em lại mắc bệnh tim bẩm sinh. Vì nghèo nên không có điều kiện đưa con đi chữa trị,  đành phó mặc cho số phận.

Thực trạng “nóng”

Không thể đến hết các gia đình có cặp vợ chồng nhí, chúng tôi tìm gặp ông Giàng A Pàng, nguyên Trưởng trạm Y tế xã Lóng Luông - người đã có nhiều năm lăn lộn ở cơ sở đấu tranh với hủ tục tảo hôn. Khi nhắc đến vấn đề này, ông Pàng trăn trở: Hủ tục tảo hôn là tập tục đã tồn tại và ăn sâu vào tâm thức của người dân từ nhiều đời nay, chính vì thế, việc con gái đi lấy chồng sớm vì sợ “quá lứa” và một bộ phận không nhỏ em trai “sợ” thua thiệt so với các bạn đồng trang lứa đã lấy vợ, do vậy tạo thành một trào lưu lấy vợ, lấy chồng sớm. Sau khi lấy nhau, các cặp vợ chồng nhí đều sống dựa vào gia đình nhà chồng hoặc có cuộc sống quá khó khăn, để rồi cái nghèo vẫn diễn ra theo một vòng luẩn quẩn “nghèo - tảo hôn - nghèo”. 

Cũng qua câu chuyện với ông Pàng và anh Kháng, tình trạng tảo hôn ở xã đã có giảm so hơn 10 năm trước, bởi nhờ công tác tuyên truyền, song vẫn diễn biến phức tạp, một phần do ảnh hưởng của sự phát triển mạng xã hội. Năm 2016, có 17 cặp tảo hôn, thì trong 8 tháng năm 2017 đã có gần 50 cặp. Bản dọc quốc lộ 6 của xã có từ 4-5 cặp tảo hôn/năm, nhưng các bản vùng cao, số cặp tảo hôn gấp 2 đến 3 lần con số này. Đây thực sự là con số đáng báo động về tình hình tảo hôn ở xã. Phần đa các cặp tảo hôn hiện nay đều là con em của các gia đình thuộc diện hộ nghèo.

Bài toán cần có lời giải

Trao đổi về vấn đề tảo hôn trên địa bàn, đồng chí Mùa A Chia, Bí thư đảng ủy xã Lóng Luông, chia sẻ: Hằng năm, xã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo chống tảo hôn, cùng với các tổ chức đoàn thể, các trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tuyên truyền để cho người dân hiểu rõ hệ lụy của tảo hôn đối với cá nhân, gia đình, xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa có nội dung về tảo hôn, định hướng cho các em về tình bạn, tình yêu ở lứa tuổi vị thành niên. Vận động các gia đình xóa bỏ các hủ tục lạc hậu đối với việc kết hôn của con em trong gia đình... Tuy công tác tuyên truyền đã được triển khai tới các bản của xã, nhưng do người dân nhận thức còn hạn chế, chưa xóa bỏ được hủ tục lạc hậu, nên tình trạng tảo hôn của xã vẫn diễn biến phức tạp. Đây là bài toán nan giải đặt ra cho cấp ủy, chính quyền xã Lóng Luông.

Qua lời chia sẻ của đồng chí Bí thư đảng ủy xã, chúng tôi được biết, trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn cho nhân dân ở các bản để người dân từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu này. Bên cạnh đó, đưa nội dung chống tảo hôn vào quy ước, hương ước của các bản, trong đó, quy định rõ mức xử lý đối với những trường hợp vi phạm. Thành lập câu lạc bộ gia đình không tảo hôn ở các bản thu hút người dân tham gia để hiểu rõ về tác hại của tảo hôn. Tiếp tục phối hợp với các nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa có nội dung về tác hại của tảo hôn cũng như định hướng cho các em về tình bạn, tình yêu trong sáng của tuổi học trò... Qua đó, từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã.

Chia tay Lóng Luông, chúng tôi cảm nhận được sự trăn trở của những người có trách nhiệm ở xã, cũng như sự nỗ lực của họ để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn. Tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hủ tục tảo hôn sẽ được đẩy lùi và khi trở lại Lóng Luông vào thời gian tới, sẽ không còn phải chứng kiến những em trai, em gái làm bố mẹ ở tuổi còn đi học.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới