Tân Xuân nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ

Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi tới xã Tân Xuân (Vân Hồ), là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do sạt lở bởi mưa lũ. Dọc tuyến tỉnh lộ 102 từ xã Xuân Nha đi Tân Xuân, có nhiều điểm sạt lở đất, đá trên mặt đường, gây ách tắc giao thông cục bộ, chúng tôi phải đi bộ hơn 2 km đường lầy lội mới vào được đến trung tâm xã Tân Xuân.

 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Xuân giúp các hộ dân bản Bướt tháo dỡ nhà di chuyển đến nơi an toàn.

 

Ông Hà Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã vẻ mặt vẫn còn lo lắng, ống quần xắn ngang đầu gối và đôi chân dính đầy bùn thông tin nhanh với chúng tôi: Toàn xã có 178 hộ, 777 nhân khẩu có nhà bị thiệt hại và có nguy có sạt lở do mưa lũ. Trong đó, 13 nhà ở các bản: Bún, Ngà và Bướt bị sập đổ, cuốn trôi; 90 nhà phải di rời khẩn cấp ở các bản: Bún, Ngà, Sa Lai, Tây Tà Lào, Cột Mốc, Bướt, A Lang. Hiện vẫn còn 75 nhà có nguy cơ sạt lở ở các bản: Ngà, Tây Tà Lào, Cột Mốc, Bướt, Đông Tà Lào, Sa Lai. Tỉnh lộ 102 kết nối từ xã Xuân Nha đi Tân Xuân có 9 điểm sạt lở khoảng 20.000 m³ đất, đá trên mặt đường, gây ách tắc giao thông cục bộ; có 49 điểm sạt lở gần 600.000 m³ đất, đá trên các tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản: Cột Mốc, Sa Lai, Tây Tà Lào, Đông Tà Lào, Bướt; 3 cột điện đường dây 35 kV bị đổ; 4 trường học có nguy cơ sạt lở; hơn 3 km đường ống nước sinh hoạt bị cuốn trôi, vùi lấp, 3,6 km kênh mương bị hư hỏng hoàn toàn và nhiều ruộng lúa, hoa màu bị cuốn trôi...

Đặc biệt là sườn núi ở bản Bướt, có hiện tượng sạt trượt đất chạy dài, từ xa cũng dễ dàng nhìn thấy bụi tre phía trên bản bị tách ra làm hai phía, đe dọa sạt lở xuống 25 hộ dân phía dưới của bản. Mặc dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 200 m, nhưng chúng tôi đã phải đi men theo dòng suối mới tới nơi, vì con đường bê tông dẫn vào bản bị sạt lở rất nhiều đất đá trên mặt đường, nhiều đoạn còn bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn.

Tại bản Bướt, chúng tôi gặp hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Xuân đang cùng bà con giúp các hộ dân tháo dỡ nhà cửa để di chuyển khỏi vùng nguy hiểm. Thiếu tá Bàn Văn Phúc, Đồn Biên phòng Tân Xuân nói: Ngay khi nắm được thông tin ở bản Bướt có 7 nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 25 nhà có nguy cơ sạt lở, chúng tôi đã huy động 20 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên có mặt để giúp bà con tháo dỡ nhà cửa và vận chuyển đồ đạc tới nơi an toàn. Do đường vào bản bị hư hỏng, các cán bộ, chiến sĩ và người dân chỉ còn cách thả trôi những cột nhà bằng gỗ xuống suối và bố trí người vớt ở trung tâm xã nơi dòng suối chảy qua.

Đứng ở khu đất vừa được tháo dỡ nhà, anh Vì Văn Yếng, bản Bướt chỉ cho chúng tôi những vết nứt chạy dọc phía dưới nền: Đây là vết nứt vừa mới xuất hiện trong đợt mưa lũ vừa qua. Thật may mắn cho gia đình tôi đã được các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và người dân trong bản giúp thão dỡ nhà cửa di chuyển kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn chưa có đất để dựng nhà nơi ở mới. Rất mong các cấp, các ngành và địa phương bố trí điểm tái định cư cho chúng tôi.

Cũng có hoàn cảnh như nhà anh Yếng, ông Vì Văn Thuyết cho biết: Nhà tôi có 6 khẩu và được các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, cùng bà con trong bản giúp tháo dỡ xong nhà, nhưng chưa có đất nơi ở mới, nên gia đình tôi đang ở tạm nhà người thân, mọi sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Rất mong xã và các cơ quan chức năng sớm bố trí đất ở cho chúng tôi dựng nhà nơi ở mới.

Tại trụ sở xã Tân Xuân, bức tường kè chống sạt trượt phía sau trụ sở xây bằng đá cao khoảng 3 m, rộng 50 cm, dài hơn 20 m bị nứt và bị đẩy xô ra phía trước 20 cm; nhà văn hóa xã cũng bị đất, đá trượt xuống làm đổ bức tường phía sau, còn bức tường phía trước thì bị nứt và có nguy cơ bị đổ sập, không còn khả năng sử dụng. Ông Hà Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, xã chưa đủ điều kiện kiểm tra độ an toàn của bức tường kè phía sau trụ sở, vì vậy nhiều cán bộ xã vẫn chưa yên tâm khi làm việc. Cùng với đó, xã đã bố trí cho 3 hộ dân có nhà bị sập đổ hoàn toàn ở tạm nhà văn hóa bản; vận động các hộ dân trong xã cho các hộ có nhà bị sập đổ, cuối trôi và phải di chuyển ở tạm và bố trí dựng nhà xen ghép ở các bản. Hiện nay, xã vẫn chưa tìm được địa điểm bố trí tái định cư cho các hộ dân vùng thiên tai do địa hình ở xã chủ yếu là đồi núi dốc. Vì vậy, xã đã đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện sớm hỗ trợ xây dựng điểm tái định cư cho các hộ dân. Đồng thời, chỉ đạo khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến tỉnh lộ 102, các công trình điện, nước sinh hoạt và thủy lợi trên địa bàn để phục vụ nhân dân; có giải pháp xử lý hiện tượng sạt, trượt kè phía sau trụ sở xã; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho các hộ bị sập nhà...

Được biết, trong số 178 hộ có nhà bị ảnh hưởng bởi mưa lũ ở xã Tân Xuân thì có tới 117 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo. Rất mong các cơ quan chức năng tỉnh và huyện sớm có giải pháp, giúp bà con vùng thiên tai sớm ổn định đời sống, sản xuất.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới