Chúng tôi trở lại xã Tô Múa (Vân Hồ) đúng vào dịp thu hái chè vụ xuân. Trên các triền đồi tiếng cười, tiếng nói rộn vang trong nắng xuân càng làm cho nhịp sống ở Tô Múa thêm sống động. Với diện tích tự nhiên trên 4.300 ha và có gần 1.420 ha đất sản xuất nông nghiệp, lại nằm ở vị trí cửa ngõ của các xã phía trong của huyện Vân Hồ, Tô Múa có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu, buôn bán hàng hóa và phát triển kinh tế.
Người dân bản Liên Hưng, xã Tô Múa (Vân Hồ) thu hái chè vụ xuân.
Toàn xã có 417 ha trồng chè cho sản lượng gần 3.900 tấn chè búp tươi/năm. Hai công ty chè đóng trên địa bàn xã là Công ty cổ phẩn Đầu tư và sản xuất chè Tô Múa và Công ty Chè Tô Múa Vân Hồ tiêu thụ một lượng đáng kể sản phẩm chè búp tươi của người dân nơi đây. Thời điểm này vào vụ thu hái chè xuân, con đường vào xã tấp nập hơn bởi những chuyến xe ra, vào thu mua chè búp.
Ngoài lợi thế trồng cây chè từ nhiều năm nay, xã Tô Múa đã vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả như: Bơ; bưởi da xanh; chanh leo; nhãn ghép... và trồng rau màu. Trên đường đến thăm bản Liên Hưng, qua trò chuyện với anh Trần Văn Bảy, người ở bản Liên Hưng về câu chuyện trồng cây ăn quả được biết, việc vận động người dân trồng cây ăn quả thay cây lương thực ngắn ngày ở xã thời gian đầu cũng gặp khó khăn, do bà con chưa tin rằng cây ăn quả sẽ giúp họ vươn lên làm giàu. Ngay khi HTX Nông nghiệp xã Tô Múa được thành lập, đồng chí Hà Văn Tân, Bí thư Đảng ủy xã là một trong những thành viên đầu tiên của HTX tiên phong, gương mẫu trong việc trồng cây ăn quả, với mong muốn người dân sẽ tin tưởng vào hướng đi mới này để nâng cao mức sống. Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Hùng, bản Liên Hưng, cũng là một trong những người tiên phong thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương. Ông cũng chính là người đã vận động UBND xã, người thân trong gia đình và người dân ở các bản thành lập HTX Nông nghiệp xã Tô Múa.
Sau khi HTX được thành lập, ông Nguyễn Văn Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của HTX, ngoài chăm sóc vườn cây của gia đình, ông còn hướng dẫn người dân cách lựa giống, chăm sóc cây từ khi trồng đến khi cây bói quả. Đứng bên chiếc lán nhỏ dựng lên để chăm sóc vườn cây, ông Hùng khoát tay chỉ lên khu đồi trồng cam, bưởi gần 2 ha của gia đình, nói: Tôi bắt đầu trồng cây ăn quả từ năm 2006, tuy nhiên thời điểm đó không áp dụng kỹ thuật trong sản xuất nên năng suất đạt thấp. Sau khi có chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh, tôi đã tìm tòi và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, vườn cây của gia đình tôi đã cho thu quả, năng suất cao, chất lượng tốt nên bán được giá. Qua kết quả phát triển vườn cây ăn quả của gia đình, tôi đã vận động người dân trong xã cùng làm và tham gia HTX. Đến nay, HTX có trên 50 ha cây ăn quả, dự kiến đến năm 2019 sẽ có 40 ha được thu hoạch.
Trở lại trụ sở UBND xã Tô Múa, đồng chí Hà Văn Tân, Bí thư Đảng ủy xã vui mừng thông tin: Đến hết năm 2017, xã Tô Múa được công nhận là xã vùng 2 và hành trình thoát nghèo của xã hiện nay đang có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện hơn so với trước. Bên cạnh đó, với lợi thế khí hậu 4 mùa, thuận lợi để trồng cây chè, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc. Do đó, xã đã xây dựng kế hoạch phát triển các loại cây trồng có lợi thế này, đồng thời, vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mở rộng diện tích trồng cỏ voi lấy thức ăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo làm hàng hóa...
Những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế trong thời gian qua là điều kiện quan trọng để nhân dân Tô Múa tiếp tục chuyển đổi cây trồng trên đất dốc năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, thay đổi phương thức chăn nuôi, mở rộng diện tích trồng cỏ đảm bảo thức ăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng... Tin rằng với hướng đi này, xã Tô Múa sớm trở thành trung tâm phát triển kinh tế của các xã vùng hạ huyện Vân Hồ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!