Mong điện về bản

Khi mặt trời khuất sau rặng núi cũng là lúc trong những ngôi nhà của người dân bản Bướt, bản Cò Hào và bản Piềng Trà, xã Chiềng Yên (Vân Hồ) thấp thoáng ánh sáng mập mờ của những chiếc đèn dầu và những bóng điện sử dụng nguồn điện phát ra từ máy phát điện mini. Nhiều năm nay, người dân luôn mong ước có điện lưới quốc gia để phục vụ đời sống và sản xuất.

Người dân bản Bướt sử dụng máy phát điện mini.

Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2005 được nhà nước đầu tư, Chiềng Yên đã xây dựng đường điện lưới quốc gia, tính đến nay, toàn xã có 11/14 bản, tiểu khu được sử dụng điện lưới. Có điện cuộc sống thay đổi rất nhiều, bà con không phải chở thóc, chở ngô sang tận xã khác để xay xát; trẻ em được học bài dưới ánh điện; ai cũng được xem ti vi để nắm bắt tình hình thời sự trong nước và trên thế giới, lại được học hỏi những kiến thức và kinh nghiệm phát triển kinh tế hiệu quả để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Còn đối với hơn 100 hộ dân của ba bản: Cò Hào, Piềng Trà và bản Bướt hiện chưa có điện lưới, vẫn chỉ dùng đèn dầu để thắp sáng, cũng có hộ tận dụng dòng suối để chạy máy phát điện mini, nhưng cũng không đủ để thắp sáng... Vì vậy, nhiều hộ mua được tivi, song cũng chưa bao giờ được xem ti vi hoặc có xem thì cũng chỉ là những hình ảnh nhập nhòa vì điện yếu. Vì thế, bà con không nắm bắt được thông tin thời sự một cách thường xuyên, cũng không được tiếp cận với những kiến thức sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bà con ở ba bản chủ yếu trồng lúa, ngô theo truyền thống, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất thấp; chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, thu nhập bình quân chỉ đạt 7-8 triệu đồng/người/năm.

Tại trụ sở UBND xã Chiềng Yên, trao đổi với chúng tôi về việc đưa điện lưới quốc gia về ba bản chưa có điện của xã, ông Mùi Văn Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Các bản Piềng Trà, Cò Hào, bản Bướt là những bản vùng sâu đặc biệt khó khăn, với 100% là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Để bà con ba bản có điện lưới phục vụ đời sống và sản xuất, trong những năm qua, xã đã nhiều lần kiến nghị với Công ty Điện lực Mộc Châu và UBND huyện Vân Hồ tạo điều kiện để đưa điện lưới quốc gia về ba bản. Cũng trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, nhân dân tiếp tục kiến nghị việc kéo điện về ba bản.

Tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Khoảng cách từ trung tâm xã Chiềng Yên đến các bản chưa có điện xa từ 7 đến 9 km. Do bà con các bản khao khát có điện nên đã bàn nhau đóng góp để kéo điện về. Tuy nhiên, dù quyết tâm, nhưng việc tự đóng góp để đưa điện về không thực hiện được, bởi các hộ dân sống thưa thớt nên chi phí để kéo điện về vượt quá khả năng của các gia đình. Đặc biệt, bản Bướt nằm trong quy hoạch xây dựng bản du lịch cộng đồng trong tuyến du lịch của xã, nhưng chưa có điện nên rất khó khăn trong quá trình phát triển...

Trên đường vào bản Bướt, chúng tôi bắt gặp mấy người dân đang cầm chai đi mua dầu về để thắp đèn. Qua trò chuyện với bà con, chúng tôi được biết, số tiền mua dầu hỏa thắp sáng cho một gia đình trong một tháng khoảng 200 nghìn đồng. Một số hộ trong bản đã cùng nhau chặn suối Bướt để làm thủy điện mini. Vào mùa mưa, nguồn điện này đủ cho 1/3 số hộ trong bản có điện thắp sáng, còn khi mùa khô đến, không có nước, nguồn sáng duy nhất của người dân là những cây đèn dầu. Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn do không có điện, ông Lò Văn Nhiêu, Trưởng bản Bướt, cho hay: Không có điện nên trong sinh hoạt hằng ngày và trong sản xuất người dân bản Bướt còn nhiều khó khăn. Đơn cử như việc xay xát thóc, ngô cũng phải chở sang tận bản khác, xã khác. Để khắc phục tình trạng này, bà con trong bản góp tiền mua một chiếc máy nổ trị giá gần 10 triệu đồng, nhằm cung cấp điện và xay xát ngô, lúa phục vụ sinh hoạt hằng ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, còn phải góp tiền để mua xăng, dầu chạy máy, nhưng mỗi ngày chỉ chạy được khoảng 4-6 tiếng đồng hồ rồi cho máy nghỉ vì lo máy sẽ bị hỏng.

Rất mong các cấp, các ngành quan tâm và sớm có kế hoạch kéo điện lưới về ba bản để người dân  sớm có điện phục vụ đời sống  và sản xuất.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới