Khi cây ăn quả phủ xanh nương đồi

Chúng tôi có dịp trở lại vùng đất ven sông Suối Bàng (Vân Hồ) để được viết tiếp câu chuyện về thay đổi tư duy sản xuất của người dân nơi đây.

Bà Mùi Thị Sáng, bản Pưa Lai, xã Suối Bàng (Vân Hồ) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.

 

Mặc dù là một trong những xã cách xa trung tâm huyện và còn nhiều khó khăn, nhưng khi chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh được triển khai, Suối Bàng lại là một trong những xã đầu tiên của huyện Vân Hồ vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi. Đến nay, những vườn cây ăn quả đang ra hoa, kết trái, đem theo nhiều hy vọng về vụ thu hoạch đầu tiên của người dân nơi đây.

Thăm khu đất với gần 40 ha đất nương bạc màu chỉ trồng ngô 2 vụ/năm trước đây, nay đã được phủ màu xanh của các loại cây ăn quả như cam, nhãn, bưởi... đồng chí Đinh Văn Sửu, Bí thư Đảng ủy xã Suối Bàng kể lại những ngày đầu vận động người dân trồng cây ăn quả thay cho cây ngô trên đất dốc: Vốn tập quán sản xuất theo phương thức lạc hậu, chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên việc tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật sản xuất hạn chế, hơn nữa, người dân đã quen với việc làm vụ nào là phải có sản phẩm vụ đó. Do đó, quá trình vận động bà con trồng cây ăn quả thay thế cây ngô trên đất dốc không mấy dễ dàng. Chỉ đến khi được nghe, nhìn thấy những mô hình cây ăn quả ở một số địa bàn trong tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân mới thay đổi tư duy và có niềm tin vào trồng cây ăn quả.

Tìm hiểu được biết, Suối Bàng có trên 7.700 ha đất tự nhiên, trong đó có trên 1.300 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất nương đã bạc màu nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Năm 2014, cả xã đã bắt tay vào chuyển đổi trồng cây ăn quả thay thế diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày. Việc làm trước tiên là cải tạo diện tích đất, xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn bà con làm đường đồng mức để chống xói mòn, kỹ thuật đào hố, bón lót trước khi trồng và quy trình chăm sóc cây. Gần 10 ha cây ăn quả được trồng thí điểm, gồm: Cam, nhãn, xoài, bưởi tại bản Ấm, Pưa Lai và bản Sôi, năm nay sẽ cho thu lứa quả đầu tiên. Kết quả này đã giúp người dân thêm tin tưởng vào việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc.

Để minh chứng cho những kết quả trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã đưa chúng tôi đến thăm một số vườn cây ăn quả trên địa bàn, trong đó có vườn cây của gia đình bà Mùi Thị Sáng, bản Pưa Lai với các loại cam, bưởi, đu đủ. Bà Sáng cho biết: Trồng thêm lúa nương là để “Lấy ngắn nuôi dài”, gia đình không chỉ có gạo để sử dụng mà còn không mất công làm cỏ cho vườn cây. Dẫn chúng tôi thăm vườn, bà Sáng kể: Khoảng tháng 4 năm 2014, tôi bàn với gia đình trồng cây cam thay cho ngô. Vì vụ ngô mấy năm đó không những năng suất thấp mà giá bán cũng thấp lắm. Mất bao công sức mà kết quả lại không được như mong đợi, tôi nghĩ đã đến lúc gia đình mình phải thay đổi mới mong có cuộc sống tốt hơn. Ngoài số tiền tích cóp, tôi đã vay thêm vốn của ngân hàng đầu tư mua giống, phân bón, cùng với đó là tích cực tham gia các lớp tập huấn trồng cây ăn quả để có kiến thức cơ bản. Ba năm vừa học hỏi vừa làm, đến nay, 6 ha cây ăn quả của gia đình đã cho bói quả. Nhìn nét mặt phấn khởi của bà Sáng, chúng tôi cảm nhận, bà tin tưởng vụ quả đầu tiên sẽ cho thu nhập khá.

Hiện nay, xã Suối Bàng còn khoảng 20 ha đất có khả năng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Vì vậy, xã đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc. Để có bước đi chắc chắn, xã đã xây dựng kế hoạch phát triển cây ăn quả từng năm đối với từng bản. Đồng thời, tổ chức đánh giá sự phát triển của cây ăn quả, xây dựng định hướng phát triển phù hợp, hiệu quả... Màu xanh của cây ăn quả đang phủ xanh đồi nương của vùng đất ven sông này, để người dân trong xã thoát nghèo bền vững và có cuộc sống no ấm.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới