Trong năm qua, Hội Nông dân huyện chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế và các phong trào phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần ổn định đời sống người dân trên địa bàn huyện.

Người dân xã Suối Bàng (Vân Hồ) phát triển nuôi bò nhốt chuồng.
Xác định việc hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của Hội, năm qua, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thực hiện các quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vân Hồ. Toàn huyện đã chuyển đổi được 20 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, một số cơ sở đã định hình các vùng sản xuất chuyên canh, như: Vùng sản xuất rau an toàn ở bản Hang Trùng I, xã Vân Hồ; mô hình cam Vinh ở bản Liên Hưng, xã Tô Múa; mô hình chăn nuôi dê ở bản Nôn, xã Liên Hòa; cá lồng ở bản Pơ Tào, xã Mường Tè; mô hình nuôi lợn bản địa ở bản Bó, xã Quang Minh; mô hình nuôi bò nhốt chuồng gắn với trồng cỏ có hệ thống tưới ẩm ở bản Nà An, xã Xuân Nha và mô hình rau, hoa phục vụ cho thăm quan du lịch ở bản Chiềng Đi II, xã Vân Hồ.
Đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Mùi Văn Cường, xã Suối Bàng. Anh Cường chia sẻ: Gia đình tôi trước kia trồng chủ yếu là ngô. Năm 2013, được sự giúp đỡ của Hội Nông dân huyện và xã, gia đình tôi chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng ngô sang trồng 1.000 cây cam, 1.000 cây xoài, 500 cây nhãn ghép. Qua thời gian trồng và chăm sóc, đến nay vườn cây ăn quả đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn nuôi 10 con bò. Thu nhập bình quân một năm đạt trên 200 triệu đồng.
Để khuyến khích nông dân thi đua phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện đã triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, Hội Nông dân huyện đã tập trung chỉ đạo nông dân phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Năm 2017, Hội Nông dân huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 66 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho 2.970 lượt hội viên nông dân tham dự; phối hợp với Công ty đạm Hà Bắc, Công ty Phùng Hưng tổ chức 10 hội nghị tập huấn sử dụng phân bón cho hội viên, nông dân; phối hợp với Công ty Phân bón và Hóa Lâm Thao triển khai mô hình bón phân NPK Lâm Thao cho cây nhãn 6 tuổi tại xã Chiềng Xuân.
Kết quả, năm 2017 có 5.844 hộ nông dân đăng ký tham gia phong trào và 1.537 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Những gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, như: Gia đình ông Vì Văn Chuyền, Trần Văn Bình ở bản Nà Sàng, xã Chiềng Xuân phát triển trồng trọt kết hợp chăn nuôi cho thu nhập từ 300 đến 320 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Đệ, Phan Văn Đoàn, tiểu khu Trung tâm xã Tô Múa phát triển kinh doanh, dịch vụ cho thu nhập từ 400 - 600 triệu đồng/năm; gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở bản Liên Hưng xã Tô Múa; hộ ông Tráng A Cao ở bản Hua Tạt xã Vân Hồ phát triển chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập từ 250 - 400 triệu đồng/ năm...
Với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và đặc biệt là Hội Nông dân huyện, các mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang sản xuất các loại cây, con có giá trị kinh tế cao đã và đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho hội viên nông dân, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!