Từng nghe đồng nghiệp kể, xã Liên Hòa là một trong những xã xa nhất của huyện Vân Hồ, giao thông đi lại khó khăn, bà con không có nhiều điều kiện để giao lưu, buôn bán hàng hóa. Nhưng từ năm 2014, sau khi con đường liên xã Song Khủa - Liên Hòa được hoàn thành và đưa vào sử dụng, cuộc sống của người dân nơi đây đã có sự chuyển mình.
Anh Vì Văn Hoàn chăm sóc đàn dê của gia đình.
Về Liên Hòa mùa này, nhiều cơn mưa bất chợt khiến đoạn đường từ ngã ba Bó Mồng (xã Tô Múa) đến bản Co Súc (xã Song Khủa) lênh láng nước và bùn, làm đường trơn trượt, phải ghì chắc tay lái mới vượt qua được. Đến địa phận xã Liên Hòa, ấn tượng đầu tiên là những cánh rừng xanh bạt ngàn trên các triền núi và màu xanh của những cánh đồng ngô trên các phiêng, bãi. Năm 1998, Liên Hòa được thành lập trên cơ sở tách từ xã Song Khủa. Xã có 8 bản với hơn 740 hộ dân, gồm 4 dân tộc Kinh, Thái, Mường và Dao cùng đoàn kết sinh sống.
Tiếp chúng tôi, đồng chí Vì Văn Luyến, Phó Bí thư Thường trực đảng ủy xã Liên Hòa, cho biết: Liên Hòa giáp với các xã Song Khủa, Suối Bàng (Vân Hồ) phía bên kia sông Đà giáp với xã Nam Phong (Phù Yên) và một số xã huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Có vị trí nằm sâu và tách biệt, Liên Hòa là một trong những xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Vân Hồ. Trước đây, bà con trong xã muốn ra trung tâm huyện phải đi mất gần một ngày đi đường, cũng vì giao thông khó khăn nên giá bán nông sản của bà con rất thấp. Niềm mong mỏi của người dân khi ấy là có một con đường nhựa vào xã để đi lại thuận tiện và vận chuyển hàng hóa được dễ dàng, hàng nông sản không bị ép giá... Mừng nhất là tuyến đường liên xã Song Khủa - Liên Hòa (thuộc tỉnh lộ 101) được cứng hóa, đời sống của bà con phần nào được cải thiện.
Qua câu chuyện với đồng chí Vì Văn Luyến, chúng tôi được biết, xã Liên Hòa có trên 3.526 ha đất tự nhiên, trong đó, gần 758,3 ha được trồng các giống ngô NK66, LVN10; gần 76 ha lúa ruộng hai vụ; đàn gia súc có trên 5.400 con và 18.600 gia cầm. Tuy nhiên, sản xuất vẫn nhỏ lẻ và manh mún nên năng suất, sản lượng của các loại cây trồng, vật nuôi chưa cao, vì vậy, thu nhập của bình quân của người dân trong xã chỉ đạt từ 8-10 triệu đồng/năm. Để giải bài toán thoát nghèo, xã đã nhiều lần tổ chức họp bàn tìm hướng đi mới phù hợp với điều kiện thực tế của xã. Trong đó, xác định phát triển chăn nuôi là chủ yếu, nhất là chăn nuôi trâu, bò, dê nhốt chuồng. Hiện, bà con đã trồng hơn 12 ha cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc. Đồng thời, xã còn vận động nhân dân trồng thử nghiệm một số loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao để nhân diện rộng, như: Mô hình trồng 1 ha cây chanh leo, 9 ha đậu, đỗ các loại... Ngoài ra, tận dụng lợi thế của vùng lòng hồ sông Đà để đầu tư nuôi thử nghiệm 20 lồng cá tại bản Dón và bản Tà Phù, sản lượng bình quân 3,5 tạ/lồng cá. Liên Hòa còn vận động bà con các bản ven hồ thủy điện Hòa Bình đánh bắt thủy sản để tăng thêm thu nhập.
Người dân xã Liên Hòa (Vân Hồ) chăm sóc ngô.
Chúng tôi đến bản Nôn để hiểu thêm về cách thoát nghèo của bà con. Hai bên đường là những ngôi nhà sàn lợp ngói và nhà xây kiên cố. Thăm gia đình anh Vì Văn Hoàn, bản Nôn, chúng tôi thấy anh đã đầu tư làm khu chuồng trại, nuôi nhốt gia súc cách xa nhà ở. Theo chân anh Hoàn lên thăm nương ngô xanh mướt, được nghe anh kể: Gia đình tôi trước đây cũng nghèo lắm, trồng ngô thì chỉ bán được giá thấp; đàn vật nuôi chủ yếu thả rông nên hay bị bệnh, vì vậy cái nghèo đeo bám nhiều năm. Để đạt kết quả như ngày hôm nay, tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm nuôi gia súc ở nhiều nơi rồi áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Đồng thời, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật và đưa các giống cây ngô mới vào thâm canh nên năng suất đạt cao hơn. Hằng năm, từ chăn nuôi và trồng trọt gia đình tôi thu nhập khoảng 70 triệu đồng và không còn phải lo cái ăn, cái mặc như trước nữa. Các hộ khác trong bản cũng đang phát triển kinh tế theo hướng như gia đình tôi với mong muốn sớm thoát nghèo.
Cùng với sự chung sức, đồng lòng và những hướng đi cụ thể trong phát triển kinh tế, xã hội, chúng tôi tin rằng cuộc sống của bà con Liên Hòa sẽ có sự chuyển mình tích cực và ngày càng tốt đẹp hơn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!