Đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ nông dân

Xác định các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn vay, tư vấn, dạy nghề là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua do Hội và địa phương phát động, thời gian qua, Hội Nông dân Vân Hồ đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hội viên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, nhân rộng hàng chục mô hình phát triển kinh tế và hỗ trợ xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản địa phương.

Ông Đặng Đình Lương, Tiểu khu 56, xã Vân Hồ (Vân Hồ) chăm sóc đàn bò sữa của gia đình.

 

Trao đổi với bà Hà Thị Thân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Hồ, được biết: Hội Nông dân huyện Vân Hồ hiện có trên 10.000 hội viên đang tham gia sinh hoạt tại các cơ sở hội. Để hỗ trợ nông dân, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, phát triển sản xuất; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật. Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân huyện đã phối hợp mở 23 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 1.200 lượt hội viên, nông dân về kỹ thuật chăn nuôi; trồng, chăm sóc rau, củ, quả theo quy trình VietGAP; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh theo hướng tập trung; thành lập mới tổ hợp tác, HTX. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 36 HTX, trong đó 31 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Quỹ hỗ trợ nông dân Vân Hồ đến hết quý II/2018 đạt gần 3,6 tỷ đồng, trong đó: Quỹ Trung ương ủy thác 500 triệu đồng; vốn quỹ tỉnh ủy thác 1,4 tỷ đồng; vốn quỹ của huyện gần 1,7 tỷ đồng. Được tiếp cận nguồn vốn vay vốn ưu đãi, nhiều mô hình được nhân rộng, như: mô hình nuôi trâu, bò sinh sản nhốt chuồng gắn với trồng cỏ có hệ thống tưới ẩm ở các xã Mường Tè, Liên Hòa, Xuân Nha; mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc... Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hội viên, nông dân được vay vốn, tổng dư nợ trên 69 tỷ đồng. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như hộ bà Đinh Thị Lực ở bản Tưn, xã Xuân Nha về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh  thu nhập 300 đến 400 triệu đồng/năm; hộ ông Vì Văn Chuyền, Trần Văn Bình, bản Nà Sàng, xã Chiềng Xuân về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Đệ, Phan Văn Đoàn, tiểu khu Trung tâm xã Tô Múa kinh doanh dịch vụ thu nhập từ 400 đến 600 triệu đồng/năm; hộ ông Tráng A Cao, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ chăn nuôi trồng trọt cho thu nhập từ 250 đến 400 triệu đồng/năm.

Một trong những người đã thành công từ nguồn vốn vay ưu đãi đó là ông Vũ Văn Chắc, hội viên nông dân bản Co Súc, xã Song Khủa. Ông Chắc, cho biết: Đã tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Cùng với số tiền tích cóp nhiều năm, năm 2002, tôi vay thêm tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua 6 con bò cái giống địa phương về nuôi. Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, tiêm phòng định kỳ, vệ sinh chuồng trại đàn bò phát triển tốt, tăng dần qua các năm, khi cao điểm trong chuồng có tới 60 con bò. Với mô hình nuôi bò nhốt chuồng đã cho gia đình ông thu nhập khoảng 200 triệu/mỗi năm. Khác với hộ ông Chắc, ông Mùi Văn Cường, hội viên nông dân xã Suối Bàng nhiều năm trước cũng thuộc diện hộ nghèo. Nhờ Hội Nông dân xã tư vấn, ông tham gia lớp tập huấn chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Năm 2013, gia đình ông vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, gia đình ông chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng ngô sang trồng 1.000 cây xoài, 500 cây nhãn ghép. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn vễ kỹ thuật trồng và chăm sóc đúng quy trình vườn cây ăn quả phát triển tốt, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân Vân Hồ tích cực chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp làm tốt các dịch vụ hỗ trợ và giải quyết việc làm. Đặc biệt là chú trọng tới hoạt động hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của nông dân. Khuyến khích thúc đẩy thành lập tổ hợp tác, HTX; mở rộng các dịch vụ vật tư phân bón, máy nông nghiệp, cây con giống các loại, dịch vụ về vốn, hoạt động quảng bá tiếp thị sản phẩm...

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới