Chuyện về người thầy thuốc ở cơ sở

Sinh năm 1956, tại bản Co Lóng, xã Lóng Luông, năm 1980, chàng trai trẻ Giàng A Pàng lên đường nhập ngũ, đóng quân tại huyện Mộc Châu. Sau 4 năm rèn luyện và học tập trong môi trường quân đội, năm 1984, ông xuất ngũ và được cử đi học y tá tại Trường Trung cấp Y tế Sơn La.

Ông Giàng A Pàng thăm hỏi bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Lóng Luông (Vân Hồ).

Chân dung người thầy thuốc

Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công về công tác tại Trạm Y tế xã Lóng Luông, nơi đây, ông đã gắn bó và cống hiến 30 năm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người dân trong xã. Bây giờ tuổi đã cao, nhưng ông Pàng vẫn nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm và đặc biệt, ông vẫn rất nhiệt huyết với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Để tiện khám cho người bệnh bất kì lúc nào, ông Pàng chuyển nhà đến ở gần Trạm Y tế xã. Trong phòng khách của gia đình ông treo nhiều Bằng khen của các bộ, ngành ghi nhận những đóng góp của ông trong thời gian ông đảm nhiệm công việc chăm lo sức khỏe cho bà con trong xã. Cùng với đó, nhiều bức ảnh ông cùng đoàn công tác đi khoanh vùng khống chế dịch sốt rét tại Xuân Nha vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX; trong đó, có bức ảnh ông Pàng chụp chung với nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến.

Chuyện xóa hủ tục lạc hậu của người thầy thuốc

Khi ông mới về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Lóng Luông, lúc ấy ở xã vẫn còn tồn tại hủ tục cúng “đuổi ma” để chữa bệnh cho người ốm, đây cũng là thời điểm dịch sốt rét bùng phát tại xã Xuân Nha và nhiều người dân xã Lóng Luông cũng có dấu hiệu mắc bệnh. Theo tập quán của đồng bào người dân tộc Mông, nếu trong nhà có người ốm sẽ mời thầy cúng đến làm lễ cúng “đuổi ma” rồi để nằm trong nhà khoảng 3 ngày, không cho ai vào thăm. Hậu quả, khiến không ít trường hợp người bệnh không được đưa đến các cơ sở y tế cứu chữa kịp thời, bệnh nặng thêm, thậm chí có trường hợp đáng tiếc xảy ra. Việc đầu tiên ông Pàng quyết tâm làm là xóa bỏ hủ tục này. Để mọi người tin tưởng vào công tác y tế, ông vận động người thân trong gia đình mình thực hiện trước. Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, giải thích cho mọi người về việc chữa bệnh bằng hình thức cúng “đuổi ma” không có cơ sở khoa học và sẽ không bao giờ khỏi mà phải đến cơ sở y tế để được khám và điều trị bệnh mới khỏi, khi gia đình có người ốm, lúc cho người nhà uống thuốc, ông mời một số bà con trong bản đến chứng kiến. Ông còn hướng dẫn những việc làm hằng ngày để phòng, chống dịch bệnh, như: ăn chín, uống sôi, phát quang bụi rậm xung quanh nhà ở, ngủ phải mắc màn để phòng chống bệnh sốt rét... Mặt khác, ông cùng cán bộ y tế đến những gia đình có người ốm để thăm khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Thấy người nhà của mình khỏi bệnh nhờ uống thuốc, người dân đã hiểu và tin những lời nói của ông Pàng nên không còn cúng “đuổi ma” để chữa bệnh cho người ốm nữa. Và từ đó đến nay, khi gia đình có người ốm, bà con trong xã đều đưa đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Góp sức hạn chế tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

30 năm công tác trong lĩnh vực y tế, ông Giàng A Pàng đã từng khám, chữa bệnh cho nhiều đứa trẻ còi cọc  phát triển không bình thường được sinh ra bởi những ông bố, bà mẹ tảo hôn hoặc kết hôn cận huyết thống. Ông đau đáu suy nghĩ làm thế nào để hạn chế tình trạng này. Ông Pàng chia sẻ: Nguyên nhân chính là do tập quán lạc hậu, vì vậy, điều quan trọng là làm thay đổi nhận thức của bà con. Tôi cùng với cán bộ y tế của Trạm thường xuyên đến từng gia đình trong xã tuyên truyền, giải thích những tác hại của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; lấy dẫn chứng cụ thể các gia đình có việc này ở trong bản, trong xã để người dân trực tiếp nhìn thấy rõ tác hại. Tôi tham mưu với xã đưa việc tuyên truyền không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vào cuộc họp của các đoàn thể của xã, của các bản để người dân hiểu rõ hơn... Ông Pàng còn vận động những người thân trong gia đình thực hiện việc đẻ ít con để cuộc sống ấm no. Chứng kiến gia đình ông kinh tế gia đình ngày càng ổn định do thực hiện KHHGĐ, nhiều hộ làm theo. Với những nỗ lực của ông và các đồng nghiệp, công tác dân số của xã đã có kết quả. Tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết và sinh con thứ ba ở xã đã giảm đáng kể, năm 2016, trong xã vẫn còn một số cặp tảo hôn,  không còn cặp kết hôn cận huyết thống và tỷ lệ sinh con thứ ba đã giảm hẳn.

Mặc dù đã nghỉ chế độ hưu trí, nhưng ông Giàng A Pàng vẫn tham gia công tác y tế tại địa phương. Chia tay ông, chúng tôi chúc ông có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Lóng Luông.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới