Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ông Đoàn Thế Kỷ, Tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ (Vân Hồ) - người lính trinh sát năm xưa vẫn nhớ rất rõ thời gian tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và hôm nay, những vết thương trong trận chiến vẫn tấy đau khi thay đổi thời tiết. Người thương binh được xếp hạng đặc biệt này với thương tật 95% luôn là tấm gương sáng trong xây dựng cuộc sống mới.
Vợ chồng ông Đoàn Thế Kỷ ôn lại những kỷ niệm của một thời chiến đấu oanh liệt.
Trong căn phòng khách ấm cúng của gia đình ông Kỷ, những tấm Huân chương, Huy chương mà ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng được treo ở nơi trang trọng. Vợ ông, bà Nguyễn Thị So cũng là cựu thanh niên xung phong tham gia mặt trận Quảng Trị. Câu chuyện về thời tuổi trẻ nhiệt huyết của vợ chồng ông Kỷ sôi nổi.
Ngược dòng thời gian, năm 1970, chàng trai trẻ Đoàn Thế Kỷ khi ấy mới 18 tuổi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện để trở thành chiến sỹ trinh sát, ông được biên chế vào đơn vị C11 - D3 thuộc Sư đoàn 473, tiến vào mặt trận Quảng Trị và hoạt động ở các chiến trường Đông Hà, Cam Lộ, Khe Sanh và mặt trận Nam Lào. Ông Kỷ nhớ lại: Khi mới nhận nhiệm vụ cũng là thời điểm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Hầu hết các đơn vị của quân ta phải hành quân vào ban đêm. Nhiệm vụ của tôi là đi trước đoàn quân để phát hiện quân địch phục kích hoặc nơi có nhiều bom, mìn chưa nổ, thông báo kịp thời cho chỉ huy cử các đội rà, phá bom, mìn trước khi bộ đội hành quân qua. Tháng 9 năm 1972, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, tôi chạm tay vào một quả mìn nổ chậm, quả mìn phát nổ đã cướp đi đôi bàn tay.
Trước đó, quân đội Mỹ đã rải chất độc màu da cam xuống nhiều khu rừng trên dải Trường Sơn và những ngày lăn lộn trên chiến trường, ông Kỷ bị nhiễm độc da cam lúc nào không hay. Vừa bị thương lại mang trong mình chất độc da cam, nhưng ông Kỷ vẫn lạc quan vượt qua những khó khăn và bắt đầu cuộc sống mới. Trong câu chuyện về thời kỳ chiến đấu oanh liệt năm xưa, “Cô gái mở đường” Nguyễn Thị So kể: Khi ấy chúng tôi luôn tâm niệm “Tim còn đập, máu còn sôi, đường sẽ đảm bảo thông suốt”. Câu nói này khiến chúng tôi, thế hệ không biết khói lửa chiến tranh thêm cảm phục tinh thần chiến đấu của các cô thanh niên xung phong mở đường năm xưa - những cô gái ở độ tuổi đôi mươi. Sau ngày giải phóng, bà So trở về quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình và nên duyên vợ chồng với ông Đoàn Thế Kỷ.
Năm 1985, gia đình ông Kỷ chuyển lên sinh sống tại Tiểu khu Sao Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu (nay là Tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ). Lập nghiệp nơi quê mới, ông Kỷ cùng gia đình làm nhiều nghề để phát triển kinh tế gia đình, như: Trồng ngô; cây ăn quả. Những năm gần đây, ông Kỷ còn là một trong những người đầu tiên của huyện Vân Hồ đầu tư nuôi ong mật. Ông khoe, hiện gia đình có trên 250 đàn ong. Thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt của gia đình ông đạt 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ chăm lo làm giàu cho gia đình, ông Kỷ luôn gương mẫu trong các phong trào, các hoạt động ở địa phương, nhất là hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, khi tuyến đường dài 31,5 m nối từ quốc lộ 6 đến Trung tâm Hành chính huyện Vân Hồ đi qua mảnh vườn và ao cá của gia đình, ông đã tự nguyện hiến gần 6.000 m2 đất để làm đường. Dù mảnh đất này mỗi năm giúp gia đình ông thu hơn 100 triệu đồng. Ông nói giản dị: Tôi hiến đất với mong muốn góp phần làm cho bộ mặt của huyện khang trang hơn.
Chia tay gia đình người thương binh Đoàn Thế Kỷ, chúng tôi cảm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm với quân thù để giành độc lập dân tộc của ông cũng như ý chí kiên cường vượt lên khó khăn, thương tật để xây dựng cuộc sống mới, ông Đoàn Thế Kỷ xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!