Trước đây, Chiềng Yên (Vân Hồ) là xã điểm đầu của quốc lộ 6 đi vào tỉnh Sơn La và là cửa ngõ của huyện Mộc Châu, vì vậy có nhiều thuận lợi để giao lưu buôn bán hàng hóa, nhất là hàng nông sản.
Nông dân bản Phụ Mẫu 1, xã Chiềng Yên (Vân Hồ) chăm sóc vườn cây ăn quả trên đất dốc.
Năm 2007, sau khi quốc lộ 6 mới đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi về giao thông cho các tỉnh dọc theo quốc lộ 6 vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, do con đường mới cách trung tâm xã gần 15 km nên khó có điều kiện giao lưu, buôn bán hàng hóa như trước. Vì vậy, Chiềng Yên lại là một trong những xã vùng 3 gặp nhiều khó khăn của huyện Mộc Châu trước đây và huyện Vân Hồ hiện tại. Tính đến hết quý I năm nay, toàn xã còn 3 bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; nhiều tuyến đường từ xã đến các bản chưa được cứng hóa, gây khó khăn trong việc đi lại và phát triển kinh tế của nhân dân trong xã.
Xã Chiềng Yên có 963 hộ dân, thuộc 5 dân tộc Kinh, Mường, Thái, Mông và Dao cùng chung sống. Địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, có nhiều khe suối sâu mặc dù xã có 6.700 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng trong đó trên 80% là đất nương bạc màu. Cùng với đó, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, biên độ nhiệt trong năm giao động lớn, thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh vào thời điểm giao mùa. Vì vậy, sản xuất chủ yếu của bà con nơi đây mang tính tự túc, tự cấp, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, đó là đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đề ra giải pháp cụ thể để thực hiện, nhằm đưa xã thoát nghèo.
Được biết, những năm gần đây, thực hiện Thông báo số 121-TB/TU - thông báo Kết luận của Ban Thường vụ tỉnh ủy về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020, xã đã vận động bà con chuyển một phần diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam chín muộn, bưởi diễn, bưởi da xanh, nhãn, chanh leo... Trước khi vận động người dân chuyển đổi, xã tiến hành khảo sát chất đất ở các bản để đánh giá mức độ phù hợp của đất với các loại cây trồng, từ đó đưa ra định hướng cụ thể để phát triển từng loại cây và đưa các giống cây trồng về các bản. Riêng đối với cây quýt, sau thời gian dài bị thoái hóa giống, trong 2 năm (2014 - 2015) Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến xã tiến hành phục tráng, cải tạo giống thành công và đã nhân rộng diện tích trồng giống cây này đạt 10 ha.
Chia sẻ với chúng tôi về việc vận động người dân thực hiện việc chuyển đổi cây trồng trên nương, đồng chí Bàn Văn Hợp, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Tuy đã có nhiều người hiểu được lợi ích của cây ăn quả, nhưng chưa thật sự tin tưởng rằng cây ăn quả sẽ mang lại thu nhập cao hơn, nên thời gian đầu vận động bà con khá khó khăn. Sau khi được tham quan một số vườn cây ăn quả đã phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện, người dân từng bước có niềm tin rằng cây ăn quả sẽ là hướng đi giúp gia đình thoát nghèo.
Qua hơn 2 năm triển khai vận động người dân trồng ăn quả, Chiềng Yên hiện có 118 ha cây ăn quả, trong đó khoảng 1/3 diện tích được chuyển đổi từ diện tích trồng ngô đạt năng suất thấp. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trong xã còn tự học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây bơ, cây chanh leo để đưa vào trồng trên diện tích cây lương thực đạt năng suất thấp. Đến nay, xã đã có trên 10 ha trồng hai loại cây này, qua đánh giá các loại cây trồng mới đều sinh trưởng tốt. Đồng thời, trồng các loại rau vụ đông trên ruộng lúa để tăng thêm thu nhập. Để minh chứng cho những bước chuyển mình của xã trong chuyển đổi cây trồng, đồng chí Bàn Văn Hợp đã mời chúng tôi đến thăm vườn cam của gia đình anh Vì Thanh Lâm, bản Phụ Mẫu 1. Anh Lâm cho biết: Sau khi hiểu được lợi ích mà cây ăn quả mang lại, gia đình tôi đã chuyển hơn 1/2 diện tích trồng ngô sang trồng cây cam, cây bưởi. Dự kiến, năm nay vườn cây sẽ cho lứa quả đầu tiên, với hy vọng lứa quả này sẽ mang lại thu nhập khá cho gia đình.
Với hướng đi cụ thể trong chuyển hướng sản xuất, cùng với sự đồng thuận của người dân trong xã quyết tâm thoát đói nghèo, tin rằng Chiềng Yên sẽ sớm vươn mình thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!