Chiềng Yên cần thêm những cây cầu

Ở xã Chiềng Yên (Vân Hồ), đa số các bản đều ở ven suối nên việc đi lại của bà con đều trông chờ vào những cây cầu. Chúng tôi về xã để hiểu rõ hơn thông tin của người dân: Nhiều bản trong xã đang thiếu những cây cầu qua suối vào bản, ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển nông sản, vì vậy đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn.

Cây “cầu khỉ” ở bản Phụ Mẫu 1, xã Chiềng Yên (Vân Hồ) tiềm ẩn nguy hiểm cho việc đi lại của nhân dân.

Qua tìm hiểu được biết, đường giao thông ở xã Chiềng Yên còn gặp nhiều khó khăn, ngoài quốc lộ 6 cũ đi qua và con đường đi qua rừng già thì hầu hết các tuyến đường liên bản, nội bản của xã chỉ đi được trong mùa khô, còn mùa mưa, bà con muốn đi ra trung tâm xã chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Những cây cầu vào bản thì... gọi theo cách của người dân nơi đây là “cầu khỉ”. Theo người dân cho biết, nhiều năm nay, các cây cầu qua suối đều do bà con đóng góp vật liệu như tre, gỗ và nứa để bắc qua suối làm đường đi lại. Trong quá trình sử dụng, những cây cầu dần bị mục và mối mọt nên mỗi năm bà con lại phải tu sửa. Địa hình xã Chiềng Yên chủ yếu là đồi núi, lại có 7 con suối chảy qua nên bị chia cắt khá phức tạp, vì vậy đường giao thông liên bản của xã còn nhiều khó khăn. Trao đổi với đồng chí Mùi Văn Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên (Vân Hồ) được biết: Trước đây, Chiềng Yên có 20 cây cầu tạm do người dân tự làm để đi lại. Vào mùa mưa, nước trên các con suối dâng cao, khiến cho các bản: Bản Niên, bản Leo, bản Tiểu Khu... đều bị cô lập. Đường đi khó khăn nên hàng hóa nông sản ở các bản thường bị ép giá, thậm chí không tiêu thụ được, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở xã cao (trên 50% theo tiêu chí mới).

Tại bản Phụ Mẫu 1 (xã Chiềng Yên), cây cầu tạm bắc qua dòng suối Nặm Piu chảy ngang qua bản và chia bản thành 2 khu dân cư, đây là con đường duy nhất mà hằng ngày bà con đi lại, trẻ em đi đến lớp học. Chúng tôi thực sự bất ngờ, vì cầu chỉ là hai cây tre ghép lại với nhau bắc qua suối để người dân đi lại. Bà con còn “sáng tạo” kê một hòn đá to ở giữa lòng suối làm trụ cầu để giảm độ chòng chành. Bước thử trên hai cây tre này qua suối, chúng tôi cảm nhận sự nguy hiểm cận kề, do cây tre tròn, sử dụng lâu ngày nên khá nhẵn, nên chỉ sơ suất nhỏ cũng dễ bị trượt chân, rơi xuống suối. Vào mùa khô, bà con thường lội qua suối hoặc đi qua cầu tre để qua suối, nhưng mùa mưa nước suối dâng cao từ 2-2,5m thì không ai dám đi qua suối. Thế là, trẻ em phải nghỉ học, người lớn cũng không đi làm nương, làm ruộng được, một số hộ dân bị cô lập với bên ngoài.

Trò chuyện với chị Lò Thị Tiên, bản Phụ Mẫu 1, chúng tôi hiểu thêm về những khó khăn trong việc đi lại của bà con. Chị Tiên nói: Rất lâu rồi chúng tôi đi lại trên cây cầu tre này, biết là không an toàn nhưng không có con đường nào khác để đi làm nương, làm ruộng. Trẻ em trong bản cũng hằng ngày qua lại cây “cầu khỉ” này để đi học. Đời sống của người dân còn nghèo nên không thể tự đóng góp để xây cầu bê tông. Chúng tôi rất mong được Nhà nước quan tâm xây dựng cây cầu để nhân dân trong bản đi lại thuận lợi.

Chúng tôi tiếp tục đến bản Niên (Chiềng Yên). Bản Niên có suối Khò Trèo chảy qua, cây cầu cũng là đường duy nhất để bà con trong bản đi làm nương. Cầu dài gần 10 m, chiều cao từ mặt cầu xuống lòng suối 2,5m, vật liệu được sử dụng làm cầu là nứa, tre và gỗ. Theo anh Hà Văn Dân, Trưởng bản Niên, mùa mưa lũ nước suối dâng cao khoảng 2,5 m và chảy xiết, cuốn trôi cây cầu tạm nên bà con không thể đi qua suối. Sau mùa mưa, nhân dân trong bản lại góp công sức và vật liệu bắc lại cầu qua suối, việc làm này lặp đi lặp lại năm này qua năm khác. Bản Niên rất mong được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng cây cầu để có thể đi được 4 mùa.

Mấy năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, đến nay xã đã xây dựng được 11 cây cầu kiên cố, tuy nhiên, vẫn còn 9 cây cầu tạm, bà con chỉ qua suối được vào mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Để giúp Chiềng Yên phát triển kinh tế, xã hội, rất mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng thêm những cây cầu trên địa bàn xã, tạo thuận lợi cho bà con đi lại và trao đổi hàng hóa.

 

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới