Chiềng Khoa ngày ấy - bây giờ

Là một trong 12 xã thuộc Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ trước đây, vùng đất Chiềng Khoa đã từng ghi dấu những năm tháng chiến đấu gian khổ và những chiến công oanh liệt của nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hơn 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Chiềng Khoa (Vân Hồ) luôn vững lòng tin theo Đảng, đoàn kết, xây dựng đời sống mới.

Một góc trung tâm xã Chiềng Khoa (Vân Hồ).  

Chiềng Khoa những ngày khói lửa

Trước đây, xã Chiềng Khoa nằm ở vị trí cửa ngõ của Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ.  Để vào các xã phía trong của vùng Mộc Hạ, đường đi thuận lợi nhất là từ quốc lộ 43 vào xã Phiêng Luông rồi theo con đường qua các bản Tin Tốc, Mường Khoa của xã Chiềng Khoa. Thời kỳ đó, thực dân Pháp xây dựng đồn đóng tại bản Mường Khoa của xã Chiềng Khoa, dưới sự chỉ huy của 2 tên quan hai Pháp. Từ hệ thống đồn bốt này, bọn địch gây ra nhiều tội ác với nhân dân Chiềng Khoa. Trước tình hình đó, vào ngày 2/8/1947, Đội tuyên truyền vũ trang tỉnh Sơn La đã được thành lập tại dãy núi Pu Tên, xã Chiềng Khoa với 21 cán bộ, chiến sỹ, do đồng chí Nguyễn Bá Toản làm Trung đội trưởng và đồng chí Trần Quyết (Bí thư tỉnh ủy Sơn La) làm Chính trị viên. Ngày 20/9/1947, một bộ phận của Đội được đưa sang Đà Bắc (Hòa Bình) huấn luyện, sau 3 tháng đội trở về hoạt động và tích cực tuyên truyền, hướng dẫn quần chúng tổ chức chiến đấu chống địch.

Được lãnh đạo xã Chiềng Khoa giới thiệu, Chúng tôi tìm đến gia đình ông Hà Xuân Soạn, bản Đoàn Kết có bố đẻ là ông Hà Văn Quý, là một trong những chiến sỹ cách mạng Mộc Hạ thời bấy giờ. Ông Soạn tự hào: Khi còn sống, cha tôi thường kể, các chiến sỹ hoạt động trong Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ đã vượt qua bao gian khổ, sẵn sàng hy sinh để giành độc lập cho dân tộc. Thời kỳ đó, trên địa bàn xã Chiềng Khoa xuất hiện nhiều nhân tố tích cực như ông Lường Văn Nhân, Lường Văn Hói, Đinh Công Viễn đã lấy súng của địch nộp cho cách mạng...

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân Chiềng Khoa đã góp công, góp của, cùng nhân dân Khu căn cứ Mộc Hạ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung làm nên những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Đã có 24 người con ưu tú của Chiềng Khoa hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; 26 người để lại một phần xương máu trên chiến trường; một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được truy tặng năm 2016... Năm tháng hào hùng đó mãi khắc sâu trong lòng mỗi người dân Chiềng Khoa và đó cũng là động lực để người dân trong xã nỗ lực nhiều hơn để xây dựng quê hương giàu mạnh.

Chiềng Khoa trong xây dựng cuộc sống mới

Chúng tôi trở về Chiềng Khoa lần này đúng vào thời điểm hơn 150 ha lúa ruộng của xã đang vào “thì con gái”, trên những cánh đồng, bà con đang tích cực làm cỏ, bón thúc cho lúa. Thăm bản Mường Khoa - nơi trước đây thực dân Pháp đã xây dựng đồn bốt để bao vây, cô lập Mộc Hạ và chặn con đường liên lạc của ta. Được biết, bản Mường Khoa trước đây đã được tách thành các bản Nà Ngần, Đoàn Kết và Mường Khoa. Anh Hà Văn Hiệu, Trưởng bản Mường Khoa, chia sẻ: Bản Mường Khoa có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế bởi bản chỉ cách trung tâm huyện khoảng 7 km, nhờ vậy, thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa và tiếp cận các kỹ thuật mới trong sản xuất. Bên cạnh đó, Chi bộ và Ban Quản lý bản đã tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, nhất là việc trồng thử nghiệm cây lúa tẻ râu và đẩy mạnh việc nuôi nhốt gia súc. Bản phấn đấu xóa hết hộ nghèo vào năm 2020.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, đồng chí Hà Văn Đỡ, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa phấn khởi chia sẻ về những kết quả phát triển kinh tế, xã hội trong những năm qua: Phát huy truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, nhân dân Chiềng Khoa luôn đoàn kết, đồng sức, đồng lòng đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuyến đường liên xã Vân Hồ - Chiềng Khoa sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã rút ngắn quãng đường từ Chiềng Khoa đến quốc lộ 6 từ 30 km xuống còn 10 km, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi, thúc đẩy trao đổi hàng hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để xã phát triển KT-XH.

Qua tìm hiểu được biết: Vụ xuân năm nay, bà con trong xã đã gieo trồng trên 200 ha lúa ruộng, năng suất đạt 6-7 tấn/ha. Ngoài ra, xã đã vận động bà con ở 12/13 bản trồng thử nghiệm 50 ha lúa tẻ râu và đã đạt được kết quả khả quan. Cùng với đó, 1.300 ha trồng các loại giống ngô lai đạt năng suất từ 5-6 tấn/ha. Đăc biệt, 253 ha chè của xã cho sản lượng gần 300 tấn chè búp tươi/năm, với giá bán bình quân từ 5.000 - 10.000 nghìn đồng/kg đã giúp bà con có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện, xã có trên 3.300 con trâu, bò, cùng hàng chục nghìn con gia cầm, góp phần nâng thu nhập bình quân ở xã lên  từ 20-25 triệu đồng/người/năm 2017. Đến hết tháng 7, Chiềng Khoa đã đạt 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. 

Trong bước đường phát triển, Chiềng Khoa tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để mỗi gia đình trong xã đều có cuộc sống ấm no. Cùng với đó, xã sẽ phối hợp với các ngành của huyện và các già làng để khảo sát và tìm lại những dấu tích lịch sử về đồn Mường Khoa và nơi diễn ra sự kiện thành lập Đội tuyên truyền vũ trang tỉnh Sơn La tại dãy núi Pu Tên. Bởi đây không những là nơi giáo dục truyền thống cách mạng mà còn được đưa vào tuyến du lịch Chiềng Khoa, để mỗi du khách đến đây sẽ hiểu thêm về truyền thống cách mạng của Chiềng Khoa nói riêng, của Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ và của tỉnh Sơn La nói chung.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới