Cây chè đã gắn bó với người dân ở xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ gần 15 năm, cây chè ngày càng phát triển, phủ một màu xanh ngát và trở thành cây trồng chủ lực, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Người dân xã Chiềng Khoa (Vân Hồ) thu hái chè.
Con đường từ trung tâm huyện Vân Hồ đến xã Chiềng Khoa bạt ngàn màu xanh của chè, những luống chè tựa như dải lụa ôm lấy triền đồi, từng búp chè căng tràn nhựa sống đua nhau vươn mình trong nắng sớm. Vượt qua con dốc cao, hiện ra trước mắt chúng tôi là Nhà máy chế biến chè của HTX Chè Vân Hồ, nằm giữa những đồi chè bát ngát, từ xa đã cảm nhận được mùi hương đặc trưng của chè Chiềng Khoa, hương thơm đó thôi thúc chúng tôi vào thăm quan nhà máy. Bên những dây chuyền chế biến chè mới được lắp đặt, anh Bùi Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT HTX Chè Vân Hồ giới thiệu về quy mô và hoạt động của HTX: Được thành lập vào tháng 6/2017, HTX có trên 10 thành viên tham gia trồng và chế biến chè. Nhận thấy tiềm năng vùng chè nguyên liệu trên địa bàn xã Chiềng Khoa và các xã lân cận, HTX đã xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến chè tại bản Đoàn Kết, xã Chiềng Khoa; dây chuyền của nhà máy được nhập từ nước ngoài và một số tỉnh miền trung với công suất đạt 20 tấn chè tươi/ngày. Sau khi thăm quan dây chuyền chế biến chè của nhà máy, anh Hồng mời chúng tôi thưởng thức loại chè được coi là đặc sản của xã Chiềng Khoa, vừa uống nước, anh Hồng vừa tâm sự: Xã Chiềng Khoa có điều kiện khí hậu thuận lợi, chất đất phù hợp cho cây chè phát triển, không khí lạnh đặc trưng hạn chế sâu bệnh hại trên cây chè phát triển, nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây chè rất hạn chế, sản phẩm chè được đánh giá cao về chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Hiện, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người trồng chè trên địa bàn xã Chiềng Khoa với giá thu mua bình quân từ 5.000 - 7.000 đồng/kg chè búp tươi.
Nhà máy chế biến chè của HTX chè Vân Hồ đi vào hoạt động, đã tạo động lực cho người dân trồng chè nơi đây. Là một trong những người gắn bó lâu năm với cây chè, ông Đinh Công Hạ, bản Mường Khoa, xã Chiềng Khoa, cho biết: Trước đây, người dân ở xã Chiềng Khoa sống nhờ cây lúa, cây ngô trồng trên đất dốc nhưng năng suất thấp. Cây chè khi đó chỉ là cây trồng phụ vì chè không bán được, hoặc giá bán thấp, đời sống khó khăn. Từ khi tham gia vào HTX Chè Vân Hồ, gia đình tôi được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và thu hái chè, cách sử dụng các loại phân bón mới, nhờ đó sản lượng chè tăng lên qua các năm, chè đạt chất lượng và giá bán cao hơn trước. Với 3 ha chè đang cho thu hoạch, mỗi năm gia đình thu trên 25 tấn búp tươi, trừ chi phí lãi trên 100 triệu đồng, nhờ cây chè mà cuộc sống của gia đình tôi ngày càng sung túc.
Rời nhà ông Hạ, trên đường trở lại trung tâm xã Chiềng Khoa, từng đoàn xe chở đầy những búp chè tươi nối đuôi nhau đi vào nhà máy chế biến chè. Tại trung tâm xã, đồng chí Lường Văn Ương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa, cho biết: Để giúp người dân trong xã tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống, huyện Vân Hồ đã chỉ đạo xã tập trung triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển, thâm canh cây chè, thực hiện trồng mới hằng năm. Đồng thời, khuyến khích người dân sản xuất chè sạch, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp, HTX để tạo đầu ra ổn định cho cây chè. Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, cây chè có lúc tưởng như sẽ bị xóa sổ, giờ hồi sinh và trở thành cây phát triển kinh tế chủ lực của người dân nơi đây.
Hiện nay, xã Chiềng Khoa có hơn 350 ha chè với sản lượng trung bình đạt từ 8 - 10 tấn/ha/năm. Những năm gần đây, giá chè búp tươi luôn giữ mức ổn định nên người dân ngày càng gắn bó với cây chè. Cùng với chủ trương phát triển, mở rộng diện tích trồng chè, các công ty, HTX thu mua và chế biến chè đã từng bước cải tiến phương pháp sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng chè, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, xã chủ động tìm hướng tiêu thụ bền vững, kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ sở chế biến đủ công xuất tại vùng chè nguyên liệu Chiềng Khoa và các vùng phụ cận.
Chiềng Khoa là xã trọng điểm trong xây dựng nông thôn mới của huyện Vân Hồ, một trong những chỉ tiêu quan trọng về thu nhập bình quân của người dân trong xã đang được quan tâm hoàn thiện. Việc lựa chọn cây chè trở thành cây trồng chủ lực đang là hướng đi đúng để người dân có thể làm giàu từ cây chè trên chính quê hương của mình, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và cuộc sống của người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!