Bản Nà Chá - Điểm sáng mới

Nà Chá là một trong những bản tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Chiềng Khoa (Vân Hồ).

 

Đường trục chính của bản Nà Chá được cứng hóa, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại.

Đến nay, tuyến đường trục chính của bản và 95% tuyến đường nội bản được bê tông hóa và đã đưa vào sử dụng. Nhờ có đường đi thuận lợi, diện mạo của bản thay đổi khá nhiều, cuộc sống của bà con cũng được cải thiện hơn so với trước đây.

Tiếp đón chúng tôi tại Nhà Văn hóa bản Nà Chá, ông Lò Văn Cấn, Trưởng bản Nà Chá phấn khởi chia vui về những kết quả trong phát triển kinh tế, xã hội mà bản đã đạt được trong thời gian qua: Bà con trong bản luôn đoàn kết giúp đỡ nhau không chỉ trong đời sống hằng ngày, mà còn cùng nhau bàn bạc tìm cách làm mới trong phát triển kinh tế để xóa nghèo. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của bà con trong bản hiện đã đạt từ 16-18 triệu đồng/người/năm. Nà Chá phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ xóa hết hộ nghèo.

Qua trò chuyện với ông Lò Văn Cấn, chúng tôi được biết thêm, trước đây, bản Nà Chá có diện tích tự nhiên lớn nhất xã Chiềng Khoa. Vì vậy, năm 1998, bản Nà Chá chia tách thành 3 bản đó là: bản Nà Chá, Nà Kén và Nà Đồ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Lúc đó, cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đi lại, bởi khi đó chỉ có tỉnh lộ 101 đi qua nhưng chưa được cứng hóa. Cũng do giao thông cách trở nên bà con không có điều kiện để tiếp cận với những phương thức sản xuất mới, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhớ lại cách đây 5 năm, việc vận động bà con hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới không mấy dễ dàng, một phần là do đời sống còn khó khăn, một phần do bà con chưa hiểu được mục đích và ý nghĩa của việc làm đường bê tông. Tuy nhiên, khi những mét đường bê tông đầu tiên được đưa vào sử dụng, người dân đã hiểu được ý nghĩa của việc làm đường. Vì vậy, khi Ban Quản lý bản vận động bà con tham gia làm đường và chia tổ, nhóm hộ đảm nhận thi công, các phần việc đã thuận lợi hơn và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Với sự hỗ trợ xi măng của nhà nước, bà con đã góp gần 400 triệu đồng mua vật liệu; hiến trên 300m2 đất, cùng hàng nghìn ngày công lao động để hoàn thành 1.800 m đường trục chính của bản và 95% số đường bê tông nội bản đã đưa vào sử dụng.

Từ khi có đường đi thuận lợi, đời sống của hơn 100 hộ dân bản Nà Chá có bước chuyển mình. Bà con trong bản chủ yếu trồng ngô, lúa, chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong quá trình đó, được cán bộ xã, huyện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Hiện, toàn bản trồng 250 ha ngô các giống NK66, 9901... năng suất đạt 5-6 tấn/ha; trồng gần 13 ha lúa ruộng, năng suất đạt 5-6 tấn/ha và 58 ha chè, năng suất 10 tấn chè búp tươi/năm. Chăn nuôi cũng đang từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Bà con đã thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi và chú trọng chăn nuôi gia súc nhốt chuồng... Bản hiện có trên 400 con trâu, bò; gần 400 con lợn; trên 1.000 con gia cầm.

Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của người dân trong bản cũng được quan tâm, bản có 2 đội văn nghệ thường xuyên luyện tập để biểu diễn phục vụ bà con những dịp lễ, tết và đã giành nhiều giải trong các hội thi văn nghệ quần chúng do xã tổ chức. Những dịp lễ, tết, bản tổ chức các trò chơi dân gian, nhằm tăng cường tình đoàn kết và giáo dục cho thế hệ trẻ những bản sắc, giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Tại nhà văn hóa bản Nà Chá, chúng tôi còn được nghe câu chuyện gia đình ông Ngần Văn Khinh đã tự nguyện hiến gần 1.000 m2 đất trồng chè và cây xoan để xây dựng nhà văn hóa với mong muốn người dân trong bản có nơi sinh hoạt cộng đồng. Cùng Trưởng bản Nà Chá đến thăm gia đình ông Ngần Văn Khinh, trên đường đi, ông Cấn còn cho biết, gia đình ông Khinh là một trong những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của bản, mảnh đất ông hiến để xây dựng nhà văn hóa, mỗi năm giúp gia đình ông thu về gần 100 triệu đồng.

Niềm nở tiếp chúng tôi tại ngôi nhà sàn khang trang, ông Khinh chia sẻ: Tôi hiến đất  với  mong muốn bà con có nơi sinh hoạt cộng đồng, có nơi để học hỏi và chia sẻ những kiến thức mới trong sản xuất. Mặc dù đã hiến đất, nhưng gia đình tôi vẫn còn 2,5 ha  trồng ngô; 5.000 m2 cây chè và có 10 con trâu, bò để phát triển kinh tế gia đình. Ông kể thêm: Sau khi hiến đất, tôi đã đi học hỏi thêm kỹ thuật sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, bù lại phần thu nhập từ mảnh đất đã hiến xây nhà văn hóa bản. Hằng năm, gia đình tôi thu bình quân gần 200 triệu đồng từ chăn nuôi và bán nông sản. Đầu năm nay, tôi đã mua cây giống để chuyển đổi 1 ha cây trồng năng suất thấp sang trồng cây nhãn chín muộn và bưởi diễn để nâng cao thu nhập.

Để cùng với xã Chiềng Khoa phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021, Ban Quản lý bản Nà Chá đã đề ra nhiệm vụ cụ thể, đó là: Xóa hết 5 nhà tạm cho các hộ nghèo; phấn đấu 100% các hộ gia đình đều có mức sống từ trung bình trở lên; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trên đất dốc thay các cây trồng năng suất thấp; đề nghị với cấp trên cho thành lập HTX Nông nghiệp Nà Chá trong thời gian sớm nhất... Với hướng đi đã chọn, tin rằng không xa nữa, Nà Chá sẽ khởi sắc và mang diện mạo của vùng quê nông thôn mới.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới