Chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học Tân Xuân (Vân Hồ) khi ánh nắng vàng của mùa xuân đã trải khắp những sườn núi, xua đi giá lạnh của mùa đông. Đâu đó vang lên lời bài hát “Đi học xa” của nhạc sỹ Hoàng Mai Lộc: “...Chim cư cứ trên rừng gọi đàn/Các bạn ơi mau nhanh chân/Xuống núi/Xuống núi/Đi học chữ, đường về trường còn xa lắm đấy...”.
Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Tân Xuân, xã Tân Xuân (Vân Hồ).
...Tùng...tùng...tùng..., tiếng trống trường báo hiệu giờ giải lao vừa vang lên, các em học sinh từ các lớp ùa cả ra sân trường. Tranh thủ thời gian này, chúng tôi trao đổi cùng thầy giáo Đặng Trọng Nam, Hiệu trưởng nhà trường về công tác giảng dạy và học tập ở đây. Pha ấm nước chè mời khách, thầy giáo Nam vừa cho chúng tôi hay: Công tác giáo dục ở vùng biên giới này còn nhiều khó khăn, nhà trường hiện có 33 lớp, với 574 học sinh. Ngoài điểm trường trung tâm, trường còn có 7 điểm lẻ ở các bản. Điểm trường trung tâm được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2010, nhưng chưa có nhà công vụ nên nơi ăn, chốn ở của các thầy giáo, cô giáo còn khó khăn lắm.
Qua thầy giáo Hiệu trưởng, chúng tôi nắm được, hằng năm, Ban Giám hiệu nhà trường đều xây dựng kế hoạch phân công cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện tổ chức. Đồng thời, thường xuyên sinh hoạt chuyên môn để trao đổi kinh nghiệm, phương pháp truyền đạt kiến thức hiệu quả nhất cho học sinh. Nhà trường đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục thông qua triển khai thực hiện cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Trong các năm học, nhà trường đều tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi để đánh giá đúng năng lực của giáo viên, nâng cao trình độ chuyên môn của các thầy giáo, cô giáo. Trường hiện có 38 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; 7 giáo viên dạy giỏi các cấp. Năm học 2016-2017, toàn bộ học sinh của nhà trường đều hoàn thành chương trình lớp học, trong đó 20% học lực xếp loại khá, giỏi.
Gắn bó với trường, với lớp vùng biên khó khăn này 8 năm, thì 3 năm dạy học tại điểm trường bản Sa Lai, thầy giáo trẻ Vì Văn Chỉm kể: Bản Sa Lai có “ba cái không” đó là: Không có điện, không có nước sạch sinh hoạt và không có sóng điện thoại. Những năm 2010-2013, tôi được nhà trường phân công dạy học ở Sa Lai. Những ngày đầu, điều kiện dạy và học gần như không có gì; lớp học là những căn nhà tranh do các thầy giáo, cô giáo và bà con trong bản tự góp công, góp vật liệu dựng lên. Mùa đông các trò nhỏ chịu rét ngồi học; mùa mưa, nhiều em ướt hết sách vở. Nhưng điều mừng nhất là bà con trong bản luôn quan tâm đến sự học của con em, với mong muốn “cái chữ” sẽ “đuổi” được cái đói, cái nghèo cho con em họ sau này. Chính điều này đã làm cho mỗi thầy giáo, cô giáo thêm gắn bó hơn với vùng đất biên cương này.
“...Hôm nay đi học xa đường tương lai đường gần...” - lời bài hát vẫn theo chúng tôi suốt chặng đường trở về. Hành trình “gieo chữ” của các thầy, cô ở Trường Tiểu học Tân Xuân vẫn còn nhiều gian nan, nhưng với tình yêu nghề, lòng mến trẻ, sự ham học của các em nhỏ nơi đây đang thắp lên những điều kỳ diệu về một tương lai tươi sáng nơi biên cương xa xôi.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!