Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 5 năm 2013, những năm qua, các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, tổ chức quần chúng, xã hội trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện Luật.
Buổi tập huấn về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: Mạnh Hùng
Đồng thời, truyên truyền để các thành viên trong xã hội nhận thức rõ tác hại của việc hút thuốc lá và bảo vệ sức khỏe của những người không hút thuốc lá khỏi những ảnh hưởng có hại và nguy cơ phơi nhiễm với khói thuốc lá.
Tuy nhiên, việc chấp hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá của cán bộ, đảng viên, người lao động ở một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa nghiêm; số lượng người hút thuốc lá vẫn tăng, thậm chí cả trẻ vị thành niên cũng hút thuốc lá. Theo điều tra toàn cầu, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc lá tính chung ở người trưởng thành là 23,8%, khoảng 15,3 triệu người. Với 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất là tác nhân gây ung thư, người hút thuốc lá và những người hít phải khói thuốc lá dễ mắc các căn bệnh nguy hiểm như: Bệnh tim mạch, tạo ra mảng xơ vữa, tổn thương lòng mạch, gây viêm tắc mạch máu, gây đau nhức chân tay, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, giảm trí thông minh. Bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư phế quản, phổi (chiếm 90%), ung thư vòm họng, miệng, thực quản, ung thư ruột... Do vậy, hàng năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến khói thuốc lá.
Nhằm đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức và quần chúng trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm làm “Ngày Thế giới không thuốc lá”; Việt Nam lấy ngày 25 - 31/5 hàng năm làm “Tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá”. Ngày Thế giới không Thuốc lá năm nay Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề “ Thuốc lá - Mối đe dọa sự phát triển bền vững của các Quốc gia”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới đề cập tới những tổn thất về sức khỏe và kinh tế, những tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như từng quốc gia do việc sử dụng thuốc lá gây ra. Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia ưu tiên thúc đẩy các hoạt động Phòng chống tác hại của thuốc lá, lồng ghép các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá trong các chương trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đồng thời khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Vấn đề đặt ra, để xây dựng môi trường không khói thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trước hết các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức quần chúng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, người dân nâng cao nhận thức và thực thi nghiêm các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; nghiêm túc chấp hành quy định về thực hiện môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc; quyền, nghĩa vụ công dân trong phòng chống tác hại của thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc; quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị và xác định đó là một trong những tiêu chí xét thi đua hàng năm đối với cán bộ, viên chức, hội viên, đoàn viên và người lao động.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể cần gương mẫu thực hiện trước và vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng thực hiện. Đồng thời, ban hành các quy định cấm hút thuốc lá tại công sở và các địa điểm công cộng có quy định cấm. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các buổi nói chuyện về tác hại của thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử; chia sẻ kinh nghiệm bỏ thuốc thành công và có hình thức động viên khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống tác hại thuốc lá
Thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc là việc cần làm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp cần tổ chức phát động phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc lá gắn với thực hiện nếp sống văn minh, sạch đẹp nơi công sở; thực hiện nghiêm túc quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên cần gương mẫu chấp hành quy định không hút thuốc lá nơi làm việc, hội họp, nơi công cộng. Hút thuốc lá là tự làm hại sức khỏe chính mình và cộng đồng, hãy nói không với khói thuốc lá.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!