Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách những tháng cuối năm

9 tháng qua, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.792 tỷ đồng, bằng 60% so với dự toán và bằng 82% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp là sản xuất điện của các doanh nghiệp thủy điện gặp nhiều khó khăn do lưu lượng nước trung bình thấp hơn so với nhiều năm, riêng sản lượng điện nhà máy thủy điện Sơn La giảm trên 1,5 tỷ Kwh, số thuế giảm 223 tỷ đồng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng nghỉ kinh doanh vẫn còn lớn; nhiều chính sách về thuế thay đổi làm giảm mức thu như: Thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên nước, thuế đối với các công ty sản xuất thủy điện...

Để hoàn thành chỉ tiêu thu trên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong tỉnh. Trước hết, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh chủ động nắm tình hình, dự báo chính xác các yếu tố ảnh hưởng đến thu NSNN trong những tháng cuối năm để có các giải pháp ứng phó với các tình huống phát sinh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn, thuế, hải quan, đầu tư, xây dựng, tài nguyên khoáng sản... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

 Cục Thuế tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 29/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách và nhiệm vụ quản lý thuế năm 2019. Xây dựng chi tiết phương án tăng thu, để bù các khoản hụt thu. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế; vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách theo đúng quy định của pháp luật. Xây dựng kế hoạch thu ngân sách các tháng cuối năm chi tiết theo từng tháng, từng khoản thu, sắc thuế, và đối tượng thực hiện thu. Hàng tháng tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ nguyên nhân các khoản thu không đạt kế hoạch và đề ra các giải pháp thu cho tháng tiếp theo. Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Triển khai sâu rộng việc kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử, nộp thuế qua hệ thống các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và người nộp thuế thực hiện quyền và trách nhiệm đối với Nhà nước.

Về thực hiện chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế thường xuyên theo dõi sát tiến độ thu, nộp ngân sách, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để kịp thời triển khai giải pháp quản lý thu, khai thác tăng thu; theo dõi, quản lý chặt công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định. Quản lý tốt các nguồn thu hiện có, chú trọng khai thác nguồn thu mới, nhất là thu từ đất, thu hoạt động khai thác khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh công tác giám sát việc kê khai thuế của người nộp thuế để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước, phòng tránh việc kê khai thấp, không sát với thực tế hoặc chuyển sang kê khai kỳ tiếp theo làm ảnh hưởng đến số nộp ngân sách nhà nước. Thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế như: Tổ chức rà soát, phân loại nợ, theo dõi, giám sát chặt chẽ các khoản nợ để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế. Tăng cường xử lý nợ chây ỳ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ, công khai thông tin nợ thuế. Rà soát các doanh nghiệp có số dư nợ thuế không có khả năng thu hồi, nhưng chủ doanh nghiệp đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, tham mưu trình UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố thành lập đoàn công tác liên ngành thực hiện rà soát, thu hồi nợ thuế; thu triệt để các khoản nợ mới phát sinh trong năm 2019. Triển khai các biện pháp quản lý trong các lĩnh vực, hoạt động còn thất thu, như: Kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vận tải, thu khoán hộ kinh doanh, thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp nhiều năm chưa thanh tra, kiểm tra; doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế; doanh nghiệp có hoạt động liên kết, doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá; doanh nghiệp chuyển nhượng vốn; doanh nghiệp có số thuế hoàn lớn. Tổ chức thu đầy đủ, thu kịp thời các khoản phải thu theo kết quả kiểm toán, thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, là khoản đóng góp bắt buộc theo luật của mỗi tổ chức, cá nhân; nguồn thu từ thuế có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế, điều tiết nền kinh tế vĩ mô, tạo nên cơ cấu kinh tế hợp lý. Nhà nước sử dụng nguồn thu từ thuế để trang trải các chi phí vì lợi ích chung của toàn dân như: Quốc phòng, an ninh, giao thông, y tế, giáo dục... Do vậy, cùng với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu ngân sách, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân hiểu và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Có như vậy mới bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới