Thực hiện Năm cao điểm hành động VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2017

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây là mục tiêu quan trọng của tỉnh ta thực hiện Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017.

Giới thiệu sản phẩm chè tại Hội trà Mộc Châu năm 2017 

Chỉ tiêu đặt ra trong Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là tiếp tục thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, tạo động lực cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư, liên kết chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP; thông tin về vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản và truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 15% so với năm 2016; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP (xếp loại A,B) tăng 20% so với năm 2016. Tiếp tục phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, tổ chức kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn và công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng.

UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục tham mưu để tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm thủy sản an toàn; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; xây dựng và ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn cũng như các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; quảng bá nông sản thực phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng và triển khai các chương trình: “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”, “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho thế giới”, “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch”, “Chuỗi thực phẩm an toàn - Từ sản xuất đến bàn ăn”... Đồng thời, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, tổ chức lấy mẫu giám sát ATTP, tập trung vào thực phẩm nguy cơ cao, thực phẩm tươi sống (rau, quả, chè, thịt, thủy sản và các thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, thủy sản) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn; kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm; giám sát việc duy trì thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đối với các chuỗi sản xuất, cung ứng rau, quả, thịt, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh… Tiếp tục tổ chức sản xuất kết nối với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, triển khai hỗ trợ xây dựng, duy trì và phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng làm công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt là về nghiệp vụ, kỹ năng trong tuyên truyền phổ biến pháp luật; trong giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm quy định đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Hy vọng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh cũng như tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp thực sự hiệu quả. Đặc biệt, là việc tổ chức triển khai phải được báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện, nêu rõ những việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện, nhất là triển khai các nhiệm vụ có liên quan đến chức năng và thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về ATTP; tham gia công tác giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông lâm thủy sản trong cộng đồng; tích cực đấu tranh với các hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, các sản phẩm nông lâm thủy sản mất ATTP trên địa bàn... góp phần thiết thực để phấn đấu sớm đạt mục tiêu “Tất cả thực phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh là thực phầm an toàn”.

 

Huy Ngoan
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới