Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong việc chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao vai trò tham mưu, đề xuất của các ngành, địa phương về cơ chế, giải pháp thực hiện các chính sách dân tộc. Phân công rõ nhiệm vụ cụ thể và tiến độ triển khai tổ chức thực hiện cho các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và xã, bản trong triển khai thực hiện. Đó là quyết tâm của tỉnh, nhằm nâng cao mức sống, thu nhập cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo 4 - 5%/năm; giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 85% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 100% xã có trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 99% hộ gia đình được sử dụng điện lưới an toàn; tỷ lệ người sử dụng intenet đạt 50% trở lên; 80% hộ nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% người dân có thẻ bảo hiểm y tế.
Vấn đề đặt ra là cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Tập trung sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng biên giới, vùng cao, vùng nguy cơ cao về thiên tai; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đảm bảo cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, gắn với bảo vệ rừng, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; phát huy lợi thế tiềm năng của từng vùng, gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm nghiệp, dược liệu, thủy sản cung cấp cho các nhà máy chế biến và thị trường trong nước, xuất khẩu, thúc đẩy khởi nghiệp kinh doanh, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân.
Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trọng tâm là trên địa bàn các xã, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, biên giới, nhất là đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa phải được kiên cố hóa; bảo đảm các hộ gia đình dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia, dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông, tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.
Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Giữ vững và phát huy thành quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, mở rộng việc dạy chữ dân tộc. Chăm lo phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số gắn với phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc. Chăm sóc sức khỏe nhân dân, mở rộng tỷ lệ người dân tại các xã, bản đặc biệt khó khăn tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nâng cao tỷ lệ khám, chữa bệnh và chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở; phát triển y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!