Một trong những tâm điểm tuần qua được báo chí nêu gương thu hút sự quan tâm của không những các chính trị gia, nhà khoa học, người nội trợ mà đông đảo người dân trong nước hưởng ứng, đó là các siêu thị lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đồng loạt sử dụng lá chuối gói rau, củ thay bao bì nilon. Đây được đánh giá là cách gián tiếp giúp người tiêu dùng ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tiết giảm nhiều chi phí trong sử dụng túi nilon. Việc làm này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen và kêu gọi cộng đồng cùng giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa.
Nhiều năm qua, sử dụng túi nilon khi đi chợ, mua sắm hàng đã trở thành thói quen của mọi người. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Còn mức tiêu thụ nhựa trung bình của người dân Việt Nam khoảng 41 kg/người/năm. Chỉ làm một phép tính đơn giản trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi nilon/ngày, mỗi năm nước ta có khoảng hơn 30 tỉ túi nilon thải ra môi trường. Điều này cho thấy, lượng chất thải nhựa thải vào môi trường quá lớn, làm cho con người, các vi sinh vật phải gánh chịu nhiều hậu quả từ loại nhựa thải này. Mặt khác, rác thải nhựa không có khả năng tự phân hủy sinh học, chúng chỉ có thể vỡ thành những mảnh nhỏ và trôi nổi khắp nơi, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn đất, nước, không khí và để lại hậu quả nặng nề cho thế hệ sau. Việc tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất trong đồ nhựa dùng một lần sẽ gây ra nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, viêm gan, dị ứng, rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết và vô sinh.
Trước vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Ngày Môi trường thế giới năm 2018, được đề cập tới chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, tiếp đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Qua đó, khẳng định “Chống rác thải nhựa” đang là việc làm cấp thiết của toàn cầu và mỗi quốc gia. Do đó, việc các siêu thị lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đồng loạt sử dụng lá chuối gói rau, củ thay bao bì nilông là việc làm rất cần nhân rộng. Nhiều người tiêu dùng chứng kiến việc làm này đều rất đồng tình, ủng hộ, bởi ngoài góp phần bảo vệ môi trường, việc sử dụng lá chuối gói rau, củ, quả trong kinh doanh còn tạo cho họ cảm giác được sử dụng sản phẩm an toàn và đảm bảo hơn.
Cùng với việc gói thực phẩm bằng lá chuối, các siêu thị còn sử dụng và phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường như: phục vụ khách hàng đựng thực phẩm bằng túi làm từ bột ngô - loại túi vi sinh phân hủy hoàn toàn, ống hút giấy thay vì ống hút nhựa như thông thường, vỏ hộp nhựa làm từ bã mía, hỗ trợ đóng thùng carton miễn phí cho khách hàng thay vì sử dụng túi nilon...
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta tuy chưa có mô hình nào dùng lá chuối thay túy nilon đựng thực phẩm nhưng mô hình của Hội Phụ nữ phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La cũng rất đáng được nhân rộng, đó là mô hình dùng làn nhựa đi chợ. Ban đầu, Hội Phụ nữ phường Chiềng Lề chọn Chi hội phụ nữ tổ 4 làm điểm, với 105 hội viên tham gia. Đến nay, nhân ra 8 chi hội, với gần 1.000 hội viên tham gia. Kết quả ban đầu đánh giá, tham gia mô hình mỗi hộ hội viên dùng làn đi chợ đã giảm sử dụng từ 10-15 túi nilon/ngày. Thiết nghĩ, ở các thành phố lớn, các nguyên liệu: lá chuối, bã mía, bột ngô chắc chắn sẽ không sẵn như trên địa bàn tỉnh ta mà các siêu thị lớn còn làm được, thì việc sử dụng các nguyên liệu này thay túi nilon, có lẽ đã đến lúc các nhà hàng, các điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh ta cũng phải hướng tới và sớm triển khai thực hiện.
Để việc dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường dần thay thế, tiến tới loại bỏ túi nilon khỏi cuộc sống, ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân thì điều quan trọng là đề cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!