Luật Hộ tịch được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2016. So với các quy định hiện hành, Luật Hộ tịch có nhiều điểm mới tích cực và được đánh giá là một bước đột phá về thể chế của công tác hộ tịch, là cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ trong đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung.
Luật gồm 7 chương và 77 điều, quy định nguyên tắc, nội dung, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong đăng ký hộ tịch; sổ bộ hộ tịch, sổ hộ tịch cá nhân, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý hộ tịch. Để đảm bảo thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về hộ tịch, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; thực hiện cải cách thủ tục hành chính và đảm bảo quyền, nghĩa vụ của công dân trong đăng ký hộ tịch. Trước hết, các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ mục đích, ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Chỉ đạo công chức, người thi hành công vụ thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chủ động phối hợp với cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý về công tác hộ tịch tại địa phương trong các nội dung liên quan đến thông tin nhân thân của cá nhân tại các giấy tờ hộ tịch do cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch cấp hoặc xác nhận. Đảm bảo các giấy tờ có thông tin về nhân thân của công dân phù hợp với giấy tờ hộ tịch đã được cấp.
Các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về đăng ký và quản lý hộ tịch cho công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch; công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hộ tịch theo đúng quy định; rà soát các văn bản pháp luật do địa phương ban hành có nội dung liên quan đến công tác hộ tịch, kịp thời kiến nghị, đề xuất cơ quan ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản không còn phù hợp. Rà soát thực trạng đội ngũ công chức tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã tham mưu cho UBND tỉnh phương án kiện toàn và bố trí đội ngũ công chức tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phù hợp về số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã. Triển khai quy định cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; việc kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng quy định.
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật Hộ tịch đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về hộ tịch, các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Luật Hộ tịch tại địa phương, đăng ký đúng thẩm quyền các sự kiện hộ tịch được phân cấp. Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, sai sót trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở cấp xã.
Luật Hộ tịch nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta theo hướng từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm một cách thuận lợi cho người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch theo quy định của Bộ luật Dân sự, các luật chuyên ngành khác, góp phần tăng cường quản lý dân cư trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Vì vậy, các ngành chức năng; các huyện, thành phố cần thực hiện chặt chẽ, đúng quy định để Luật được triển khai đi vào cuộc sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!