Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng thời, triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, nhất là đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh, góp phần ổn định sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, trong hơn 10 tháng qua, trên địa bàn tỉnh, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 121 lượt tổ, bản của 52 lượt xã, phường, thị trấn, thuộc 11 huyện, thành phố. Số lợn mắc bệnh, bị chết, tiêu hủy là 2.549 con, tổng khối lượng hơn 102 tấn, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Hiện nay, còn 6 xã của 2 huyện có ổ dịch chưa qua 21 ngày. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, những tháng cuối năm, tình hình bệnh DTLCP tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ tái phát các ổ dịch, do thời tiết diễn biến bất lợi.
Nhằm duy trì và tăng trưởng đàn vật nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới, các cấp, các ngành, huyện, thành phố, cơ quan chức năng tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết; xử lý dứt điểm các ổ dịch trong diện hẹp, không để dịch lây lan, phát sinh ổ dịch mới. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn mắc bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh.
Chính quyền các địa phương chủ động nguồn ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là bảo đảm hóa chất phun tiêu độc khử trùng và vắc xin phòng bệnh DTLCP. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại và xung quanh có nguy cơ cao. Tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh. Xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để phát sinh và lây lan dịch bệnh trên địa bàn quản lý.
Các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp, hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, trong đó, chú trọng đến tiêm phòng vắc xin, tạo miễn dịch chủ động cho đàn lợn.
Các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi tích cực áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng; thực hiện tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn; từng bước chuyển đổi chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Chấp hành nghiêm quy định về cấm giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn bệnh, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Báo cáo ngay cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi phát hiện đàn lợn mắc bệnh để xử lý kịp thời.
Chính quyền các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức điều tra, theo dõi tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa. Đồng thời, tập trung các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP và các dịch bệnh động vật khác.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!