Tăng cường công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ

Trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, trên địa bàn tỉnh Sơn La, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn xảy ra với tần suất và cấp độ gia tăng, gây ra lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối, núi cao, khe sâu, gây thiệt hại về hạ tầng, người, tài sản, tác động xấu đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lũ thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục hậu quả do bão lũ, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, được xã hội đánh giá cao.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng trong phòng tránh và khắc phục hậu quả bão lũ có mặt còn lúng túng, chưa toàn diện; lực lượng tại chỗ phản ứng chậm. Việc huy động và sử dụng nguồn lực tại chỗ để khắc phục chưa nhiều, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Công tác kiểm đếm xác định giá trị thiệt hại có lúc, có nơi chưa sát thực tế, thiếu đồng bộ; việc tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn hỗ trợ còn lúng túng...

Mùa mưa bão năm nay đang đến gần, trước hết, các cấp, các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong phòng tránh và khắc phục hậu quả bão lũ.

Các địa phương tổ chức rà soát toàn diện các khu vực, các hộ dân, các công trình, cơ sở hạ tầng của nhà nước, tổ chức và tài sản của nhân dân ở nơi xung yếu về bão lũ. Chủ động quy hoạch vùng dân cư, xem xét, chỉ đạo tổ chức di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ mưa lũ, sạt lở cao.  Ban chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai các cấp bổ sung phương án phòng chống mưa lũ, chủ động xây dựng phương án dự phòng ngân sách, sẵn sàng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể và chỉ đạo các thành viên cụ thể hóa nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách.Chủ động rà soát các phương án phòng chống và khắc phục hậu quả, nhất là lực lượng, phương tiện, hậu cần, trang thiết bị; nắm chắc lực lượng nòng cốt tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại địa phương và các lực lượng dự bị khi cần thiết ở cấp bản, xã, huyện. Tổ chức luyện tập, diễn tập kỹ năng phòng, chống bão lũ cho cơ sở để nâng cao năng lực, khả năng, kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra. Chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch, xác định và huy động các nguồn lực, chủ động bố trí phương án trong dự toán ngân sách sẵn sàng khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra; xây dựng định mức sử dụng các nguồn lực huy động nhằm đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng chống, khắc phục lũ, bão.

Tập trung chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch và thực hiện các dự án trung hạn về phòng chống mưa lũ tại địa phương theo quy định. Đánh giá, phân vùng rủi ro về mưa, lũ, sạt lở đất; theo dõi diễn biến, xác định cấp độ, triển khai phương án ứng phó kịp thời. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân lấn chiếm hành lang an toàn thoát lũ.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và cảnh báo thiên tai; chủ động triển khai các phương án phòng tránh lũ bão từ cơ sở; thực hiện phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, góp phần ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới