Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ tháng 8/2009 trên phạm vi toàn quốc. Ở tỉnh ta, các cấp, ngành đã tích cực chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động, từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Người dân mua sắm hàng hóa tại điểm bán hàng Việt, siêu thị Châm Nhung, Cò Nòi (Mai Sơn).
Qua đó, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa trên địa bàn, hình thành ý thức người Việt dùng hàng Việt.
Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền đến cán bộ, công nhân viên chức, các tầng lớp nhân dân trong việc chọn lựa dùng các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia các hoạt động bán hàng Việt khuyến mại; tổ chức các hội chợ, triển lãm; đưa hàng Việt về nông thôn... Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 8 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; 34 hội chợ triển lãm thương mại tại các huyện, thành phố với quy mô trên 6.000 gian hàng của gần 1.000 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham dự, với tổng giá trị trao đổi hàng hóa khoảng gần 40 tỷ đồng, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hàng đến mua sắm. Tại các hội chợ đều bố trí từ 3-5 gian hàng để trưng bày, quảng bá, giới thiệu các hàng hóa nông sản an toàn của tỉnh. Qua đó, bước đầu hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người dân, dần xóa bỏ tâm lý “sính” hàng ngoại trong một bộ phận người dân, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước nói chung và hàng sản xuất tại địa phương nói riêng.
Cùng với đó, để Cuộc vận động thực sự hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1011 ngày 19/5/2015 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, Sở Công Thương đã phối hợp khảo sát, lựa chọn và thiết lập 7 mô hình thí điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn Thành phố và các huyện Mai Sơn, Bắc Yên, Mộc Châu, Sông Mã; hình thành 5 điểm bán hàng nông sản tại Thành phố và huyện Yên Châu. Tập trung rà soát, tổ chức lại sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của tỉnh. Nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thành chuỗi cung ứng bền vững, nhằm gắn kết các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối, tạo thuận lợi trong khâu cung ứng và tiêu thụ hàng hóa đối với một số mặt hàng nông sản của tỉnh. Trong đó, tập trung hỗ trợ kết nối, tiêu thụ 3 loại sản phẩm đặc sản của tỉnh là mật ong, nhãn chín muộn, xoài tròn Yên Châu vào thị trường Hà Nội... Tổ chức ký gần 3.000 bản cam kết tới các hộ kinh doanh, trưng bày các gian hàng giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả tại các hội chợ, triển lãm.
Bằng các biện pháp thiết thực, tuyên truyền, vận động cùng với việc quảng bá, giới thiệu hàng Việt một cách cụ thể, phong phú đã đưa Cuộc vận động lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Hiện nay, hàng hóa sản xuất trong nước được các siêu thị, cửa hàng, các chợ của tỉnh bày bán chiếm tỷ trọng lớn từ 70 - 80%. Không chỉ ở những mặt hàng phổ thông mà hàng Việt đã cạnh tranh ngay cả ở phân khúc hàng cao cấp với chất lượng không thua kém gì hàng ngoại nhập, giá bán cạnh tranh. Để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng đại lý, bán buôn, bán lẻ các mặt hàng “Madein Việt Nam”, nhiều cửa hàng còn in, dán tại quầy bán sản phẩm khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để nhắc nhở người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm cho mình. Bên cạnh đó, Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống gian lận thương mại hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ thương hiệu hàng Việt.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tiếp tục rà soát xây dựng các biện pháp tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Tổ chức xây dựng từ 16-18 điểm bán hàng Việt tại các huyện, thành phố. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh đưa các sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương tới các kênh phân phối như: Siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống chợ đầu mối tại Hà Nội, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!