Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc cho trẻ em

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em thấp còi cao, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi của cả nước mỗi năm đã giảm 1% nhưng vẫn còn ở mức cao và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là ở các tỉnh vùng núi, vùng khó khăn, trong đó có tỉnh ta.

Theo số liệu thống kê hàng năm của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 3 năm (2016-2018), tỷ lệ trẻ em SDD thể cân nặng/tuổi của Sơn La lần lượt là 21%, 20,4% và 20%; tỷ lệ trẻ em SDD thể chiều cao/tuổi ứng với các con số 34,1%, 33,5% và 33%. Như vậy, tính đến 31/12/2018, toàn tỉnh có 251 trường mầm non với 95.579 trẻ, 194 trường tiểu học với 138.091 trẻ thì cả tỉnh còn tới gần 47 nghìn trẻ SDD thể cân nặng/tuổi và hơn 77 nghìn trẻ SDD thể chiều cao/tuổi.

Thực trạng trên cho thấy, tỷ lệ trẻ SDD tại tỉnh ta hiện còn ở mức cao, đặc biệt là ở một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đông dân tộc thiểu số sinh sống. Theo các chuyên gia, tình trạng SDD, ngoài yếu tố di truyền còn do thiếu dinh dưỡng, giai đoạn học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa về tầm vóc, thể lực và trí tuệ, tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết của trẻ, nếu không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ rất dễ bị SDD, ảnh hưởng đến tầm vóc và sự phát triển thể chất sau này. Do đó, cần phải tăng cường cho trẻ uống sữa để bổ sung dinh dưỡng trong giai đoạn này. Chính vì thế, việc triển khai Chương trình sữa học đường trên địa bàn tỉnh Sơn La là rất quan trọng nhằm từng bước nâng cao thể lực, chất lượng dân số, nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Với mục tiêu của Chương trình 90% trẻ em bậc mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh được uống sữa; 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng; giảm tỷ lệ SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng/tuổi từ 20% (năm 2018) xuống còn 19,4% (năm 2020); giảm tỷ lệ SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi thể chiều cao/tuổi từ 33% (năm 2018) xuống còn 32,3% (năm 2020). Trước mắt, năm 2020, Chương trình sữa học đường triển khai thí điểm cho khoảng 9.950 học sinh tiểu học tại huyện Bắc Yên (huyện có tỷ lệ trẻ em SDD cao hơn tỷ lệ chung của toàn tỉnh và là một trong những huyện nghèo, đông đồng bào là người dân tộc sinh sống) được uống sữa miễn phí từ nguồn ngân sách của tỉnh, với định mức 3 hộp sữa tươi nguyên chất loại 180 ml/trẻ/tuần, vào các sáng thứ 2, thứ 4, thứ 6 hàng tuần (theo các học kỳ: Học kỳ 2 năm học 2019-2020 và học kỳ 1 năm học 2020-2021). Các trường mầm non và các trường tiểu học tại các huyện, thành phố còn lại tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ sữa cho trẻ. Trên cơ sở kết quả triển khai Chương trình của năm 2020, xây dựng kế hoạch thực hiện của giai đoạn 2021-2025. Cụ thể từ năm 2021 trở đi thực hiện xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ cho 100% trẻ em từ bậc học mầm non trên địa bàn toàn tỉnh và 100% trẻ em bậc học tiểu học tại các huyện, thành phố không thuộc các huyện nghèo được uống sữa theo Chương trình sữa học đường.

Để đạt được mục tiêu của Chương trình, các cấp, các ngành tăng cường truyền thông, vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội về vấn đề dinh dưỡng, vai trò và tầm quan trọng của Chương trình sữa học đường, tạo sự ủng hộ, cam kết mạnh hơn về chính sách, nguồn lực thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, bố, mẹ, người chăm sóc trẻ về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa đảm bảo dinh dưỡng, chất lượng, phù hợp theo nhóm tuổi. Tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ của phụ huynh và học sinh khi tham gia Chương trình sữa học đường; truyền thông trực tiếp cho học sinh, cha mẹ và người nuôi dưỡng trẻ, kêu gọi cộng đồng tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện Chương trình. Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ sữa cho trẻ để 100% trẻ từ bậc học mầm non, tiểu học được uống sữa đầy đủ.

Cùng với đó, đề cao  sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan, đặc biệt giữa ngành Y tế với ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên để tuyên truyền nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ thông qua việc tổ chức triển khai cho trẻ uống sữa từ Chương trình và từ các nguồn tài trợ khác nhằm chăm sóc trẻ chu đáo ngay từ bậc học mẫu giáo.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới