Trong những năm qua, các địa phương trong toàn tỉnh đã phát triển mạnh các vùng nguyên liệu cây nông nghiệp, công nghiệp phục vụ chế biến. Tuy nhiên, cứ vào mùa thu hoạch, hoạt động sơ chế, chế biến chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, xả nước thải, chất thải làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và môi trường sống, đây là nỗi lo của nhân dân khu vực đô thị và vùng ven cơ sở chế biến nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước.
Các cấp, các ngành, huyện, thành phố, chủ dự án triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La theo Quyết định số 331/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tổ chức thực hiện Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định 2858/QĐ-UBND ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đi vào vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung các khu, cụm công nghiệp. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở chế biến nông sản hộ gia đình, hộ kinh doanh quy mô nhỏ thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý, đôn đốc, giám sát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các cơ sở chế biến nông sản không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi thực hiện đầy đủ điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường, nguồn nước theo quy định của pháp luật và có hệ thống thu gom, xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Có phương án, lộ trình di chuyển các cơ sở chế biến nông sản nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước vào các cụm công nghiệp trên địa bàn để thực hiện việc kiểm tra giám sát.
Các cơ sở chế biến nông sản phải tiến hành lắp đặt camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn) và truyền dữ liệu hình ảnh về cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường để thực hiện theo dõi, giám sát hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường. Các cơ sở chế biến phải đăng ký quy mô, công suất và vận hành hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy định, trường hợp vượt quy mô công suất hoặc gây ô nhiễm môi trường thì dừng hoạt động sản xuất, xử lý theo đúng quy định.
Tổ chức ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND cấp xã và các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn, trường hợp để xảy ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước từ hoạt động của các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, chủ cơ sở và Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Có phương án bảo vệ nguồn cấp nước sinh hoạt, tổ chức rà soát, kiểm tra lại mốc giới phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với công trình khai thác nước. Xây dựng quy trình, phương án ứng phó, bố trí sẵn sàng các điều kiện khắc phục khi xảy ra các sự cố ô nhiễm nguồn cấp nước để đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường; tuyên truyền định hướng giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức và chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, sơ chế, chế nông sản nói riêng và bảo vệ môi trường các lĩnh vực khác nói chung.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!