Tỉnh ta có nguồn tài nguyên nước mặt và nước dưới đất khá dồi dào, riêng tài nguyên nước mặt của toàn tỉnh hằng năm hàng chục tỷ m3, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Đà và sông Mã. Đây là ưu thế lớn để khai thác, sử dụng cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh quan trắc
môi trường nước tại xã Chiềng Sơn (Mộc Châu).
Song, thực tế việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trong tỉnh còn nhiều bất cập, đó là tình trạng xả nước thải, rác thải chưa qua xử lý, xả không đúng vị trí, làm ô nhiễm đất, nước, không khí; khai thác tài nguyên nước dưới đất vượt ngưỡng cho phép, gây nguy cơ sụt lún, suy giảm nguồn nước...
Theo kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước trên địa bàn tỉnh năm 2016 của Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh, chất lượng môi trường nước mặt nhìn chung khá tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi hóa chất bảo vệ thực vật nhóm Clo hữu cơ. Nhiều sông, suối, hồ nước có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, tại một số điểm quan trắc, nước mặt đã có dấu hiệu bị ô nhiễm vi sinh (E.coli). Cục bộ tại một số điểm có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi chất dinh dưỡng (Nitrit) do tiếp nhận nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, kinh doanh của các khu dân cư. Đơn cử như nước mặt tại suối Nậm Pàn, (đoạn xã Mường Bon), chân cầu Sắt (Mai Sơn), suối Muội (Thuận Châu) và chân cầu Trắng, chân cầu bản Tông (suối Nặm La, thành phố Sơn La).
Về chất lượng môi trường nước dưới đất, qua quan trắc 13 mẫu tại 12 huyện, thành phố cho thấy, hầu hết các thông số nhóm vật lý, hóa học và nhóm kim loại nặng đều có giá trị nằm trong QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Song, tại một số vị trí đã có dấu hiệu nhiễm khuẩn nhóm vi sinh (thông số E.Coli và Coliform - các nguồn gây nhiễm khuẩn E.Coli và Coliform trong nước dưới đất có thể do sự tiếp nhận nước thải có chứa phân, xác động vật phân hủy, bể tự hoại hư hỏng, nước mưa). Đó là tại các điểm: Xã Pi Toong (Mường La), xã Mường Bang (Phù Yên), xã Chim Vàn (Bắc Yên), thị trấn Ít Ong (Mường La)... Đặc biệt, 2 vị trí trung tâm huyện Yên Châu và thị trấn Hát Lót (sau Tòa án Nhân dân huyện Mai Sơn) có dấu hiệu ô nhiễm vi sinh tăng cao đối với 2 thông số E.Coli và Coliform.
Từ kết quả quan trắc môi trường nước năm 2016 cho thấy, việc ô nhiễm nước mặt và nước dưới đất trên địa bàn tỉnh tuy chưa nghiêm trọng, nhưng nguyên nhân gây ô nhiễm đều do tác động của con người. Do vậy, để quản lý và bảo vệ tốt tài nguyên nước UBND tỉnh đã có Quyết định 3603/QĐ-UBND, ngày 30/12/2014 phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước (nội dung bảo vệ tài nguyên nước) tỉnh Sơn La từ năm 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu xử lý trên 80% các nguồn gây ô nhiễm liên quan đến môi trường nước như rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp được thu gom, phân loại xử lý; xây dựng trên 70% hành lang bảo vệ nguồn nước cho các sông, suối, hồ chứa và các vùng nước quan trọng... Bảo vệ trên 80% nguồn nước trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm dòng chảy tối thiểu, duy trì hệ sinh thái thủy sinh, phòng chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước. Khai thác, sử dụng hài hòa nguồn nước mặt và nước dưới đất, trong đó, ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất cho sinh hoạt, y tế, dịch vụ, du lịch và công nghiệp... Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng suy giảm, ô nhiễm nguồn nước, tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hoặc xả nước thải... Chỉ đạo các địa phương trong tỉnh chú trọng công tác trồng rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ...
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Trong đó, chú trọng công tác quan trắc, dự báo diễn biến môi trường nước; kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực tài nguyên nước. Hiện, ngành đã tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát môi trường, tiến hành quan trắc, đánh giá môi trường nước theo quy hoạch, kế hoạch và định kỳ; kịp thời đưa ra các thông tin cảnh báo, dự báo liên quan đến tài nguyên nước. Tham mưu xây dựng các quy hoạch chuyên ngành về tài nguyên nước, làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Phân bổ nguồn nước cân đối, hài hòa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, phù hợp với đặc điểm phân bố, trữ lượng, khả năng của từng nguồn nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo qui định...
Quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên nước không phải là nhiệm vụ của riêng cấp nào, ngành nào, mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả mọi người, nâng cao ý thức trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, để nguồn tài nguyên này không bị cạn kiệt, không bị ô nhiễm... góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!