Phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại

Theo quy luật, trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân đối với các mặt hàng thiết yếu; nông, lâm sản; bánh, mứt, kẹo; rượu, bia, nước giải khát... tăng cao, kéo theo hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sẽ gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

 

Trước tình hình trên, các cấp, các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần tập trung xây dựng phương án tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, vi phạm về giá, vệ sinh an toàn thực phẩm, đo lường chất lượng và các hành vi gian lận thương mại trong dịp cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trên địa bàn. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt quy chế về trách nhiệm và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp liên ngành; xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm quản lý. Chú ý các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu, bến xe, chợ đầu mối, kho tàng, bến bãi và các phương tiện giao thông để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, đặc biệt là các loại hàng hóa tiêu dùng nhiều vào dịp cuối năm, như: nhu yếu phẩm, thực phẩm, hoa quả, bánh kẹo... Chú trọng kiểm tra đăng ký của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn về các điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ; hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa lưu thông trên thị trường. Xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường; các thủ đoạn gian lận về đo lường, đóng gói để tăng giá; các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Cùng với đó, công tác điều tiết cung, cầu hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân phải được tăng cường. Đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam”,  tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nhiều hình thức phù hợp, nhằm nâng cao nhận thức trong các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời, các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp  tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến đông đảo quần chúng nhân dân, để người dân không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả. 

Nâng cao hiệu quả công tác dự báo tình hình tội phạm buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái pháp luật để chủ động đấu tranh có hiệu quả. Tăng cường kiểm tra nội bộ, phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, có biểu hiện bao che cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật khác, nhằm lập lại kỷ cương, củng cố niềm tin của nhân dân. Về phía người tiêu dùng, phải cân nhắc kỹ khi mua sản phẩm, đồng thời, khi phát hiện hàng giả, hàng lậu cần phải thông báo tới các cơ quan chức năng để xử lý, góp phần bảo vệ quyền lợi chung của xã hội, của nền kinh tế nước nhà và quyền lợi của chính mình.

Khánh Minh


 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới