Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, đổi mới, xây dựng Sơn La giàu đẹp, văn minh

(Lược trích Diễn văn Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam của đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)

Cách đây 87 năm, ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam họp tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng), đã nhất trí thành lập một Đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, là Cương lĩnh và Điều lệ đầu tiên của Đảng ta, đã xác định đường lối cách mạng đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với quy luật và thực tiễn của một nước thuộc địa nửa phong kiến, đó là: giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động; độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, là cơ sở dẫn tới những thắng lợi oanh liệt, những bước nhảy vọt quan trọng và những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam những năm sau này.

Đường lối chính trị đúng đắn của Đảng ta được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm và khẳng định, đã đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong 87 năm qua. Với đường lối đúng đắn đó, khi còn non trẻ, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ lên địa vị của những người làm chủ một quốc gia độc lập, tự do, hạnh phúc và tự quyết định vận mệnh của mình.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định đường lối đúng đắn để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng; xây dựng lực lượng, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chống thù trong, giặc ngoài; tiến hành diệt “giặc đói”, “giặc dốt” và lần đầu tiên tổ chức thắng lợi cuộc tổng tuyển cử vào ngày 06/01/1946 bằng hình thức phổ thông đầu phiếu trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Với dã tâm xâm lược, thực dân Pháp quyết cướp nước ta một lần nữa. Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, đã đồng sức, đồng lòng đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng suốt chín năm, giành thắng lợi vẻ vang bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chấn động địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, với quyết tâm sắt đá là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta kéo dài gần một phần tư thế kỷ, nhân dân ta phải đương đầu với một thế lực ngoại xâm hung bạo nhất trong lịch sử loài người. Với sức mạnh của ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do” của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kết hợp với sức mạnh của đường lối chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; sức mạnh của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng kết hợp với sức mạnh của hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa miền Bắc; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng kết hợp với sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi vẻ vang bằng chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại ngày 30/4/1975.

Phát huy tinh thần cách mạng vẻ vang và quyết tâm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã giành được những thành tựu to lớn. Sau 30 năm thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới, trong bối cảnh các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chiến tranh và xung đột diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, hình ảnh một Việt Nam ổn định về chính trị, vượt qua khủng hoảng về kinh tế, đẩy lùi lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện một bước rõ rệt đời sống nhân dân... đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã vận dụng đúng quy luật vào thực tiễn, tìm được con đường thích hợp đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là minh chứng sinh động, cụ thể cho bản lĩnh và trí tuệ, khả năng, vai trò, vị trí tiên phong của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng nguyện vọng và tạo dựng niềm tin sâu sắc của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La tuyệt đối trung thành, một lòng một dạ đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn; bám sát, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào hoàn cảnh thực tiễn của địa phương, vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức, vươn lên giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới ở một tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi to lớn của đất nước.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ cuối năm 1930, nhiều chiến sỹ cách mạng kiên trung của Đảng, trong đó có các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Xứ ủy viên, Tỉnh ủy viên như các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu đã bị thực dân Pháp đày lên giam cầm tại Nhà tù Sơn La. Chính từ nơi tù ngục tăm tối này, những chiến sĩ cộng sản đã biến Nhà tù thành trường học cách mạng; chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập năm 1939 đã tỏa ánh sáng của Đảng đến với nhân dân Sơn La; gieo mầm cách mạng trong vùng Tây Bắc, là nhân tố làm nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La; và cùng với cả nước tiến hành cuộc cách mạng tháng 8 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân các dân tộc Sơn La đã thi đua sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc và chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân các dân tộc Sơn La đã thực hiện nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ cao cả với nước bạn Lào. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc; đảng bộ, quân và dân các dân tộc Sơn La tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; mãi mãi là niềm tự hào, là động lực để chúng ta vững bước đi lên.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Sơn La đã cùng cả nước, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh và tập trung mọi nguồn lực để xây dựng cuộc sống mới. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, hơn 30 năm qua, nhân dân các dân tộc Sơn La luôn đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu giành được nhiều thành tựu quan trọng. Chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư; văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực; công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới thu được nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ hợp tác với 08 tỉnh Bắc Lào và các tổ chức quốc tế được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang tạo nên những chuyển biến mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; năm kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước Việt Nam - Lào và 40 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào; cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp cần tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, Tập trung lãnh đạo nâng cao hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30.10.2016 (của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hiện nay đang tập trung thực hiện 07 chủ trương đã được cụ thể hóa thực hiện: (1) Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về nêu cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; (2) Kế hoạch số 136-KH/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; (3) quy định về trách nhiệm và xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; (4) đổi mới việc tổ chức các hội nghị; (5) khoán chi các cơ quan đảng; (6) cải cách hành chính trong Đảng; (7) thực hiện chủ trương đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập theo Kết luận số 202-KL/TW ngày 26.5.2015 của Bộ Chính trị và Công văn số 3133-CV/VPTW ngày 16.01.2017 của Văn phòng Trung ương đảng (Tỉnh Sơn La là 1/22/63 tỉnh, thành phố).

Thứ hai, Đẩy mạnh việc rà soát, ban hành cơ chế, chính sách; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tập trung triển khai và thu hút đầu tư các dự án trọng điểm như: nâng cấp tuyến đường quốc lộ 6 đoạn Mộc Châu - thành phố Sơn La; Kè và phát triển đô thị dọc suối Nậm la - thành phố Sơn La; Bệnh viện đa khoa tỉnh 500 giường; Trung tâm thương mại của Vingroup; Dự án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La; Trụ sở HĐND, UBND, ủy ban MTTQ và các ngành, đoàn thể tỉnh; Dự án thủy lợi tưới ẩm cao nguyên Nà Sản; Trung tâm thể thao tại phường Chiềng Sinh; tiếp tục phối hợp để thực hiện Dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức PPP gắn với đầu tư khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Tiếp tục thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung thực hiện chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; đặc biệt là hình thành các chuỗi sản xuất và tiêu thụ, gắn với chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất Nông nghiệp Việt” và bảo đảm an toàn thực phẩm với 2 chủ trương là:

(1) Bên cạnh tranh thủ mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của Tập đoàn Vingroup; hợp tác với Tập đoàn TH đầu tư du lịch và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, dược liệu tại huyện Vân Hồ; làm việc với thành phố Hà Nội để đề nghị Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) nghiên cứu xây dựng chợ nông sản để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững; giải quyết các điều kiện cần thiết để chuẩn bị xuất khẩu sản phẩm quả sạch.

(2) Tiếp tục thực hiện chủ trương đột phá giảm diện tích trồng ngô trên đất đồi chuyển sang trồng 5 loại quả sạch; năm 2017, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo phát triển rau củ (nhất là rau trái vụ); tập trung phát triển các loại quả sạch đạt tiêu chuẩn Vietgap, xây dựng thương hiệu và hình thành thêm các chuỗi tiêu thụ nông sản bền vững (sản phẩm không đảm bảo sạch sẽ không tiêu thụ được).

Tập trung chỉ đạo hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến hết tháng 6.2017 hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, hết năm 2017 hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất cho 30.000 hộ gia đình còn lại.

Thứ ba, Tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ổn định đời sống nhân dân vùng tái định cư các thủy điện.

Trình Chính phủ duyệt dự án giai đoạn 2 thủy điện Sơn La (6.890 tỷ); tổ chức đánh giá 3 dự án (747; 1382; 1460) để trình Chính phủ phê duyệt, triển khai Đề án ổn định dân cư vùng tái định cư thủy điện Hòa Bình (giai đoạn 4).

Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất qua ngân hàng chính sách xã hội, nguồn từ lãi của 2 nhà máy thủy điện Sơn La và Hòa Bình.

Thứ tư, Báo cáo Bộ Chính trị và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước Việt - Lào và 40 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào. Trong đó có 03 hoạt động chính: (1) Ngày hội văn hóa Việt - Lào tại Sơn La; (2) Tổ chức lễ kỷ niệm; (3) Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. Về công tác đào tạo: Bên cạnh việc đảm bảo đào tạo thường xuyên 1.100 lưu học sinh của 8 tỉnh Bắc Lào, Tỉnh chuyển sang đào tạo cho lưu học sinh Lào có trình độ đại học, cao học và đào tạo Tiếng Việt 9 tháng cho cán bộ quân sự, công an của 08 tỉnh Bắc Lào; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Sơn La với 08 tỉnh Bắc Lào.

Tự hào về truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phấn đấu “Xây dựng Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc”; góp phần xứng đáng cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

 

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới